Đẩy nhanh tiến độ các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp

Mặc dù Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp, ảnh hưởng việc triển khai các dự án.
Công trình trạm bơm tưới Phú Thụy II đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: KIM VĂN
Công trình trạm bơm tưới Phú Thụy II đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: KIM VĂN

Đê Vân Cốc dài 15 km, thuộc tuyến đê hữu Hồng (Hà Nội) là tuyến đê cấp 1, trong đó gần 6,8 km mặt đê được thiết kế hạ thấp phục vụ phân lũ sông Hồng vào sông Đáy, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc phòng, chống lũ sông Hồng, nhưng từ năm 2011, theo quy định tại Nghị định số 04/2011/NĐ-CP, việc sử dụng các khu phân lũ, chậm lũ được bãi bỏ. Đồng thời, tuyến đê là đường giao thông huyết mạch phục vụ người dân hai huyện Phúc Thọ, Đan Phượng. Tuy nhiên, do các xe quá tải thường xuyên hoạt động, mặt đê bị xuống cấp nghiêm trọng, việc đi lại của người dân rất khó khăn. Đường hành lang chân đê bị lấn chiếm, ảnh hưởng an toàn công trình đê điều. Vì thế, người dân rất phấn khởi khi tuyến đê vừa hoàn thành cải tạo, nâng cấp. Anh Nguyễn Đình Minh, người dân xã Hát Môn cho biết, tuyến đường đê được cải tạo, mặt đê được cứng hóa giúp người dân đi lại thuận lợi, đồng thời chấm dứt nỗi lo phải chịu phân lũ sông Hồng vào sông Đáy mỗi khi mùa lũ đến, yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng nhà cửa cải thiện chỗ ở.

Đối với những xã nằm ở vùng đất bãi sông Hồng như Văn Nhân, Thụy Phú, hay các xã phía tây của huyện Phú Xuyên như Phượng Dực, Văn Hoàng, Tân Dân, Đại Thắng, Quang Trung, Sơn Hà, Vân Từ, từ nhiều năm nay, việc lấy nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân rất khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng nông sản. Vì thế, dự án đầu tư xây dựng trạm bơm tưới Thụy Phú II, lấy nước từ sông Hồng vào phục vụ nước tưới hơn 4.600 ha đất nông nghiệp, đồng thời cấp nước bổ sung cho sông Nhuệ, cải thiện tình trạng ô nghiễm môi trường được người dân rất trông đợi. Dự án đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2012, dự kiến thực hiện trong thời gian ba năm, từ năm 2013 đến năm 2015, nhưng đến hết năm 2015 dự án không hoàn thành đúng tiến độ, cho nên UBND thành phố phải điều chỉnh thời gian hoàn thành và chuyển dự án cho Ban Quản lý (BQL) đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện.

Theo đại diện BQL đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, ngay sau khi tiếp nhận dự án, đơn vị đã tập trung cập nhật, rà soát, nắm bắt tổng thể các hạng mục công trình để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đến nay, dự án đã hoàn thành phần lớn các hạng mục chính và dự kiến đưa vào vận hành công trình trong những tháng cuối năm nay, kịp thời phục vụ người dân sản xuất vụ đông. Cùng với dự án xây dựng trạm bơm tưới Thụy Phú II, đơn vị đang tập trung hoàn thành tám dự án khác, gồm xây dựng hành lang chân đê hữu Đà, hữu Hồng (huyện Ba Vì), nâng cấp, hiện đại hệ thống tưới Hạ Dục (huyện Chương Mỹ), dự án cải tạo, nâng cấp công trình đầu mối, kiên cố hóa hệ thống kênh trạm bơm Hồng Vân, dự án chống sạt lở bờ hữu sông Nhuệ (quận Hà Đông), xử lý sạt lở bờ hữu sông Tô Lịch (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín), xử lý sạt lở bờ hữu sông Đà (xã Minh Quang, huyện Ba Vì), xử lý sạt lở bờ hữu sông Hồng (xã Chu Phan, huyện Ba Vì) và dự án xử lý sạt lở bờ tả sông Cà Lồ (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn). Tuy nhiên, đại diện BQL đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, tiến độ thực hiện các dự án còn chậm, chưa bảo đảm kế hoạch đề ra. Hiện nay, đơn vị đang triển khai 21 dự án, trong đó một dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bốn dự án thi công xong chuẩn bị bàn giao, chín dự án phấn đấu hoàn thành trong năm 2019 và bảy dự án tiếp tục thực hiện trong năm 2019. Tổng nguồn vốn được giao hơn 590 tỷ đồng, nhưng đến giữa tháng 7 việc giải ngân mới chỉ đạt gần 150 tỷ đồng, bằng 25% nguồn vốn đầu tư.

Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Xuân cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư chậm trễ là do trình tự thủ tục đầu tư xây dựng phức tạp, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương. Nhiều dự án chuyển từ các chủ đầu tư cũ sang phải cập nhật, điều chỉnh, gia hạn thời gian thực hiện. Đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành từ 70 đến 80% khối lượng công việc, nhưng việc giải ngân thường tập trung vào những tháng cuối năm. Đơn vị đã phân tích, đánh giá từng nguyên nhân và đề ra các biện pháp, phương án khắc phục cụ thể trong thời gian tới, phấn đấu cơ bản hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư năm 2019.

Như vậy có thể thấy, mặc dù tiến độ giải ngân trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp, phát triển nông thôn chậm trễ, nhưng BQL dự án đã chủ động xây dựng phương án thực hiện. Để bảo đảm kế hoạch giải ngân đúng kế hoạch, các dự án về đích đúng tiến độ, BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp, phát triển nông thôn Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tập trung hoàn thiện các trình tự, thủ tục đầu tư dự án, giải ngân nguồn vốn đầu tư. Chỉ đạo các nhà thầu thi công hoàn thành chín dự án đã đề ra; đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảy dự án đang triển khai, phấn đấu các dự án hoàn thành đúng thời hạn.