Cuộc đua mới trên thị trường bán lẻ Hà Nội

Hàng loạt các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp mới được khai trương trên địa bàn Hà Nội làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nhưng lại đem đến nhiều lợi ích, lựa chọn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Khách tham quan và mua sắm tại Trung tâm thương mại Royal City.
Khách tham quan và mua sắm tại Trung tâm thương mại Royal City.

Tháng 7-2013, với việc khai trương trung tâm thương mại dưới lòng đất Vincom Mega Mall Royal City, tập đoàn Vingroup đã tạo sự đột phá mới. Khu mua sắm rộng 230 nghìn m 2 với 600 gian hàng kinh doanh các thương hiệu thời trang, hàng tiêu dùng cao cấp trên thế giới, 200 gian hàng ẩm thực, dịch vụ đã đưa nơi đây thành điểm tham quan, mua sắm thu hút nhất thành phố.

Ngày 24-12 vừa qua, Vingroup tiếp tục khai trương trung tâm thương mại Mega Mall Times City tại số 458 đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Tại khu mua sắm này, ngoài các gian hàng tiêu dùng, còn có khu thế giới đồ chơi, nhà kẹo lớn nhất Việt Nam dành cho các em thiếu nhi, siêu thị thực phẩm sạch, thế giới nội thất... rộng lớn, hàng hóa phong phú. Cách kết hợp kinh doanh mua sắm với các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí chất lượng cao, hiện đại trong một khu vực rộng lớn đang đưa tên tuổi Vingroup lên vị trí nổi bật trên thị trường bán lẻ Hà Nội.

Không kém ấn tượng chính là loạt hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị của Công ty cổ phần Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương (Ocean Retail), thành viên Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group).Giám đốc Vận hành hệ thống Ocean Mart Lê Mạnh Phong cho biết, Tập đoàn Ocean Group chính thức gia nhập thị trường bán lẻ từ tháng 1-2013.Và chỉ trong vòng 11 tháng, doanh nghiệp này đã khai trương ba đại siêu thị và ba siêu thị với tổng diện tích bán lẻ lên tới gần 30 nghìn m 2 , đó là Ocean Mart Trung Hòa và Ocean Mart Star Bowl khai trương vào tháng 11. Cũng vào ngày 24-12, đơn vị này khai trương trung tâm thương mại Ocean Mart Times City nằm trong tổ hợp TTTM Vincom Mega Mall Time City với diện tích 11 nghìn m 2 , cung cấp hơn 30 nghìn mặt hàng các loại.Doanh nghiệp này không che giấu tham vọng xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ.Ông Lê Mạnh Phong khẳng định: "Chúng tôi đặt tham vọng xây dựng thương hiệu siêu thị Việt đạt chất lượng, có quy mô song song với việc triển khai các trung tâm thương mại kết hợp khu ăn uống, vui chơi tổng hợp. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, Ocean Mart sẽ có 70 siêu thị trên cả nước".

Ngoài hai người "khổng lồ" trên, Tập đoàn Sơn Hà cũng khai trương đại siêu thị Hiway thứ hai tại Hà Nội, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng đang xúc tiến việc thuê lại bốn sàn bán lẻ của Mipec Mall (tại quận Đống Đa) để mở siêu thị bán lẻ Lotte Mart vào đầu năm 2014.Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng vừa khai trương siêu thị thứ hai của doanh nghiệp này trên địa bàn Hà Nội tại khu đô thị Nam Đô, quận Hoàng Mai...Những nhân tố mới này đã khiến bức tranh thị trường bán lẻ của Hà Nội thêm sôi động, nhộn nhịp. Điều này dường như mâu thuẫn với tình trạng ế ẩm, vắng khách của một số trung tâm thương mại như Hàng Da, Cửa Nam, Grand Plaza... cũng như nhận định về sức mua còn thấp của người tiêu dùng. Giải thích về điều này, Phó Tổng giám đốc thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro Nguyễn Tiến Vượng cho biết: "Hiện tại Hà Nội, hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng của người dân.Còn chủ yếu vẫn là hoạt động kinh doanh tại các chợ, các tuyến phố... Do đó vẫn đòi hỏi tiếp tục mở rộng, hiện đại hóa hệ thống bán lẻ hiện đại".

Việc có thêm các nhân tố mới đã làm gia tăng sức cạnh tranh.Nhất là trước sức ép mạnh mẽ của các tập đoàn nước ngoài, các tiềm lực tài chính lớn."Chiếc bánh" thị phần của thị trường bán lẻ tiếp tục bị chia nhỏ. Tình thế này đòi hỏi mỗi doanh nghiệp muốn tồn tại phải tăng được sức cạnh tranh, tận dụng các yếu tố thuận lợi để chiếm lĩnh thị trường. Ông Nguyễn Tiến Vượng chia sẻ, bản thân Hapro trong thời gian vừa qua cũng đã cố gắng tái cơ cấu, tinh giản 50% bộ phận trung gian để giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh. Tại hội thảo "Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cơ hội và thách thức", Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex Hoàng Vệ Dũng cho rằng, các doanh nghiệp phải tập trung và chuyên nghiệp hóa trong quá trình kiểm soát giá, nguồn gốc, chất lượng hàng hóa thì mới có thể giữ chân được người tiêu dùng.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ còn tiếp tục tăng. Nhất là từ năm 2015, theo lộ trình thì thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đang dần dần có mặt tại Việt Nam và khởi đầu từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Tình thế này sẽ tạo sức ép cho mỗi doanh nghiệp, nhưng lại là cơ hội tốt cho người tiêu dùng khi có thêm nhiều sự lựa chọn, được hưởng các dịch vụ, hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý, văn minh, hiện đại.

NGUYÊN TRANG