Chương trình Sữa học đường

Công khai, minh bạch và trên tinh thần tự nguyện

Ngày 10-10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội sẽ tổ chức đấu thầu chương trình sữa học đường để chọn ra nhà thầu có đủ năng lực cung cấp sản phẩm sữa bảo đảm chất lượng cho các em học sinh mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn. Trước những băn khoăn của phụ huynh học sinh, lãnh đạo Sở GD và ĐT khẳng định, sẽ tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, đồng thời việc tham gia chương trình là hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của các gia đình.

Giờ uống sữa của trẻ tại Trường mầm non Yên Hòa.
Giờ uống sữa của trẻ tại Trường mầm non Yên Hòa.

Chương trình sữa học đường nhằm cải thiện dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em từ mẫu giáo, tiểu học từ nay đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8-7-2016. Chương trình được triển khai theo hình thức xã hội hóa, với sự tham gia đóng góp của ba bên là nhà nước, gia đình và doanh nghiệp. Hiện cả nước có 10 tỉnh, thành phố triển khai chương trình sữa học đường.

Tại Hà Nội, đề án chương trình sữa học đường đã được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt vào tháng 7-2018, bắt đầu triển khai từ năm học này đến hết năm 2020. Đối tượng thụ hưởng đề án là các em học sinh mẫu giáo và tiểu học, với tiêu chuẩn ít nhất một hộp sữa (180 ml)/ngày. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp 20%, còn lại do gia đình đóng góp 50%. Riêng với trẻ em và học sinh thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo… sẽ được uống sữa miễn phí hoàn toàn. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: “Trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố được phụ huynh đăng ký tự nguyện tham gia sẽ được uống sữa tươi (có đường hoặc không đường tùy theo tình trạng thể lực của trẻ) năm ngày/tuần, trong chín tháng đi học. Sữa được cung cấp cho chương trình được bổ sung các vi chất so với các loại sữa thông thường trên thị trường. Cụ thể, trong 100 ml sản phẩm được bổ sung ba vi chất với hàm lượng như sau: vitamin D (1-1,4 ug), sắt (1,4-1,9 mg), can-xi (114-150 mg). Với mức giá dự kiến cao nhất 6.800 đồng/hộp 180 ml, giữ giá ổn định từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020, dự kiến mức đóng góp từ phía gia đình các em học sinh là không quá 3.400 đồng/hộp. Việc các gia đình có cho con tham gia đề án hay không là hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện”.

Đại diện Sở GD và ĐT Hà Nội cho biết, phiên đấu thầu cung cấp Sữa học đường sẽ diễn ra ngày 10-10. Hiện có 11 doanh nghiệp sữa đã đăng ký tham gia đấu thầu. Bộ hồ sơ sau khi đóng thầu sẽ được đánh giá, thẩm định, chấm thầu bởi một đơn vị tư vấn độc lập. Sau khi đóng thầu từ 20 đến 30 ngày, đơn vị trúng thầu được công bố.

Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam Trần Quang Trung, cho biết, chương trình sữa học đường của Chính phủ nhằm mục tiêu nâng cao tầm vóc của trẻ em. Nhiều quốc gia trên thế giới, như: Anh, Mỹ, Nhật Bản, Thái-lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều thực hiện chương trình sữa học đường từ rất sớm. Nhật Bản là một trong những quốc gia coi chương trình này như một chiến lược để cải thiện tầm vóc cho thế hệ tương lai. Ông Trung đề nghị TP Hà Nội tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để có nhãn hiệu sữa cung cấp cho hàng triệu học sinh nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn và giám sát trách nhiệm của đơn vị cung ứng sữa. Các doanh nghiệp không thể chỉ hỗ trợ về giá sữa, mà còn phải hỗ trợ các trường học về kho bảo quản, vận chuyển, việc xử lý bao bì… Tất cả những yếu tố này, cần phải được nêu rõ trong hồ sơ mời thầu.

Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, Sở sẽ tổ chức đấu thầu công khai và chọn ra đối tác có đủ năng lực, bảo đảm chất lượng sữa và nhất là có giá rẻ để học sinh, người dân được hưởng lợi từ đề án.

Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội có tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 tỷ đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng.