Ðề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị

Chú trọng vị trí đặc thù của Thủ đô

Thành ủy Hà Nội đang tiếp tục lấy ý kiến vào Dự thảo Ðề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội ( gọi tắt là Dự thảo) trước khi trình Bộ Chính trị vào tháng 12-2018. Thống nhất cao về sự cần thiết thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo cần nhấn mạnh đến vị trí đặc biệt của Thủ đô, trong đó trao cho Hà Nội cơ chế tự chủ, có quyền và trách nhiệm thực hiện sứ mệnh của mình, xứng tầm là một trong 17 siêu đô thị của châu Á - Thái Bình Dương.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: DUY LINH
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: DUY LINH

Dự thảo Ðề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội được Thành ủy Hà Nội đưa ra lấy ý kiến góp ý của Hội đồng Lý luận Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố vào ngày 7-9 vừa qua, được đánh giá chuẩn bị công phu, kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và mang tính khả thi cao. Dự thảo gồm bốn phần: Sự cần thiết, căn cứ và cơ sở xây dựng đề án; thực trạng tổ chức chính quyền thành phố; định hướng và nội dung tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị; tổ chức thực hiện. Mục tiêu hướng tới là xây dựng chính quyền đô thị TP Hà Nội theo hướng đô thị thông minh, phù hợp xu hướng phát triển và quản lý thế hệ mới. Trong đó, tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của thành phố và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn) theo Kết luận số 22-KL/TW ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, phục vụ tốt các nhu cầu chính đáng của nhân dân, bảo đảm "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thông đánh giá: Dự thảo Ðề án được chuẩn bị công phu, hoàn chỉnh, nếu được thông qua có tính khả thi khá cao. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự thảo, ngoài việc lựa chọn mô hình tổ chức, cần chú trọng thẩm quyền và cách thức hoạt động theo hướng tinh gọn, rõ thẩm quyền, nhiệm vụ và phải tạo ra "cú huých" cho hai vấn đề then chốt là tự chủ và tự quản.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Dự thảo đã được xây dựng nghiêm túc, công phu, nhiều thông tin phong phú; tiếp cận các phương án, giải quyết các mối quan hệ một cách khoa học. Ðể làm rõ tính chất đặc thù của Thủ đô trong Ðề án, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú Ðề nghị thành phố hoàn chỉnh Ðề án theo hướng xây dựng mô hình quản lý đô thị thông minh, trọng tâm là xây dựng hạ tầng thông minh, quản trị thông minh và những công dân thông minh.

Mô hình tổ chức chính quyền đô thị không phải là vấn đề mới trên thế giới. Tại nước ta, trước Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng đều đã triển khai nội dung này. Tuy nhiên, khác với các địa phương đi trước, nhiều ý kiến đề nghị ngay trong quá trình xây dựng Dự thảo, Hà Nội cần chú trọng nhấn mạnh vị thế, vị trí là Thủ đô của cả nước.

Các đồng chí nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: Hoàng Văn Nghiên, Nguyễn Thế Thảo cùng đề nghị Ban soạn thảo mạnh dạn xây dựng Dự thảo theo hướng xây dựng chính quyền Thủ đô, bám sát Luật Thủ đô chứ không chỉ là mô hình chính quyền đô thị đơn thuần như TP Hồ Chí Minh đã làm. Lý do là Hà Nội có những đặc thù quản lý không giống bất kỳ đô thị nào khác trong cả nước. Dự thảo cũng cần nêu rõ những kiến nghị nhằm nâng cao sự tự chủ của chính quyền thành phố.

Tiến sĩ Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Dự thảo dù được chắt lọc, song vẫn chưa đề cập đúng tầm vị trí đặc thù của Hà Nội. Ông cho rằng,chính quyền địa phương mà cứ phải báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành thì rất chậm và hiệu lực kém. Chính vì vậy, Dự thảo cần đề cập rõ thẩm quyền, trách nhiệm chính quyền các cấp; xây dựng theo hướng chính quyền đô thị Thủ đô phải được trao đủ quyền và chịu trách nhiệm thực hiện quyền đó.

Hà Nội đang đối diện những thách thức ngày càng lớn về tăng dân số cơ học, trong khi hạ tầng tăng trưởng chậm, không đáp ứng nhu cầu phát triển và vị thế, vai trò Thủ đô. Trong khi đó, thành phố đang thiếu thẩm quyền, thiếu quyền tự chủ, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành, những cơ chế đặc thù dành cho Hà Nội cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Ðồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Khi được Bộ Chính trị cho phép xây dựng Ðề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, thành phố đã bắt tay vào cuộc với quyết tâm và kỳ vọng rất lớn, với tinh thần cốt lõi là nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản, tăng cường phân cấp để chính quyền đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, mong muốn đề xuất những cơ chế đặc thù cho Hà Nội rất lớn, tuy nhiên, nhận thức được tính phức tạp và khó khăn trong quá trình xây dựng, Ban soạn thảo đã thống nhất đưa Dự thảo ở mức khiêm tốn và tối thiểu nhất. Mục đích chính của thành phố là xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị, hội nhập quốc tế và nhu cầu của người dân.