Kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2019)

Chủ động, đổi mới để tăng hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Luôn chủ động, đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đó là yêu cầu và cũng là kim chỉ nam, bài học kinh nghiệm quan trọng của Đảng bộ TP Hà Nội trong suốt những năm qua để xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển văn minh, hiện đại hơn.

Các học viên tham dự lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn bí thư, phó bí thư quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025.
Các học viên tham dự lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn bí thư, phó bí thư quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025.

Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn tiến vào trung tâm Hà Nội. Dẫn đầu đoàn quân chiến thắng là những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô giương cao ngọn cờ "Quyết chiến - Quyết thắng". Hàng chục nghìn người dân Hà Nội chào đón đoàn quân trong niềm vui sướng vỡ òa. Thủ đô đã hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc, thực dân.

65 năm qua từ thời khắc lịch sử ấy, Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm và có bước chuyển mình lớn lao chưa từng có. Thành quả ấy có được là nhờ Đảng bộ Hà Nội đã vận dụng sáng tạo những bài học quý báu được đúc kết từ cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên. Sự đoàn kết, đổi mới không chỉ thể hiện trong các chủ đề và tiêu đề lớn của cả 16 kỳ Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội, mà còn như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, thấm sâu vào nhận thức và hành động của các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở.

Trong những năm qua, Đảng bộ Hà Nội luôn gương mẫu, đi đầu, có nhiều việc làm chủ động, sáng tạo trong thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng. Nổi bật là nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Qua đó đã góp phần quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, sự đổi mới, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo là dòng chảy xuyên suốt của Đảng bộ Hà Nội từ thành phố đến cơ sở. Trong đó, công tác cán bộ luôn được chú trọng và Trung ương đánh giá cao, từ việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đến việc đánh giá cán bộ hằng tháng được thực hiện bài bản, ngày càng thực chất. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện kỹ lưỡng, đúng quy trình; tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nâng chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng cao hơn. Tại thời điểm triển khai thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 năm 2008 chỉ có hơn 30% số cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, đến hết nhiệm kỳ khóa 15, Thành ủy Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu tất cả các cán bộ chủ chốt phường, thị trấn và 80% số cán bộ chủ chốt xã đạt trình độ đại học...

Từ kinh nghiệm sắp xếp cán bộ sau hợp nhất, Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Sau rà soát, sắp xếp, thành phố giảm được 59 phòng, ban; với 39 cấp trưởng phòng, 143 cấp phó trưởng phòng, ban trực thuộc các sở, ngành; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 ban quản lý dự án, hai quỹ, với 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các đơn vị nêu trên. Toàn thành phố đã tinh giản được 1.549 biên chế.

Tinh thần đổi mới, chủ động còn được thể hiện qua việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Sau hơn hai năm thực hiện, trong số 200 vụ việc được thống kê ở cấp thành phố, đến nay đã có 128 vụ việc giải quyết xong, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý năng lực yếu kém, có dấu hiệu tiêu cực đã được thay thế và xử lý kỷ luật, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, cùng với chăm lo công tác xây dựng Đảng, thành phố luôn quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hoạt động kỳ họp của HĐND các cấp có nhiều cải tiến, đổi mới, theo hướng đi vào thực chất, phát huy dân chủ. Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp thực hiện theo hướng sâu sát, cụ thể “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”. Trong chỉ đạo, điều hành, thành phố xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, các khâu đột phá. Thành phố đã chọn chủ đề “Năm kỷ cương hành chính” 2013, 2017, “Năm trật tự và văn minh đô thị" 2014, 2015, 2016, "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” 2018, 2019, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền từ thành phố xuống cơ sở được tăng cường đi đôi với đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát công vụ và thăm dò ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp về sự hài lòng đối với các dịch vụ công; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các cán bộ, công chức vi phạm chế độ trách nhiệm công vụ... Sự nỗ lực, cố gắng của thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Những kết quả này đã giúp cho thành phố đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Năm 2018, thành phố đã đạt và vượt toàn bộ 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 7,61%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (7,08%); thu nhập bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng/năm, khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/người/năm. Kết quả xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo đều vượt chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ. Văn hóa - xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển cao, xứng đáng với vị trí là trung tâm lớn của cả nước; truyền thống văn hóa nghìn năm Thăng Long - Hà Nội tiếp tục được gìn giữ, phát huy và bồi đắp thêm nhiều giá trị mới. An ninh - chính trị được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được cải thiện. Hình ảnh “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình” ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách và bè bạn bốn phương.

Đây là những kinh nghiệm quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cùng tiếp tục nỗ lực, cố gắng để gặt hái nhiều thành công hơn trong giai đoạn những năm tiếp theo.