Chủ động chuẩn bị công tác cấp điện trong mùa hè

Nhu cầu sử dụng điện, nhất là điện trong sinh hoạt của người dân dự kiến sẽ tăng cao đột biến trong những ngày nắng nóng. Thực tế này đòi hỏi ngành điện Thủ đô nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để cung ứng điện an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Công nhân Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội thao tác trên lưới đang vận hành. Ảnh: MINH PHƯƠNG
Công nhân Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội thao tác trên lưới đang vận hành. Ảnh: MINH PHƯƠNG

Mùa hè năm nay, dự báo nhiệt độ tại Hà Nội sẽ tăng cao hơn gần 1oC so với cùng kỳ năm 2018, diễn biến phức tạp và có thể xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Trước tình hình này, ngành điện dự báo phụ tải năm 2019 trên địa bàn Thủ đô sẽ tăng cao, có thể gây ra quá tải lưới điện. Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã đưa ra hai kịch bản về mức tăng phụ tải so với cùng kỳ năm 2018, phương án một là mức tăng thấp (10%), dự báo công suất cực đại (Pmax) sẽ đạt 4.654 MW. Phương án hai, dự báo mức tăng cao (15%), Pmax có thể đạt tới 4.865 MW. Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: "Địa bàn Hà Nội có nhiều điểm khác biệt so với các khu vực khác. Thứ nhất, phụ tải sinh hoạt (sử dụng các thiết bị như điều hòa không khí, thiết bị làm mát...) chiếm số lượng lớn, tới 56% lượng điện tiêu thụ. Nhưng lại chỉ tăng cao đột biến vào một số thời điểm, chủ yếu trong những ngày hè nắng nóng kéo dài. Thứ hai, giờ cao điểm sử dụng điện của Hà Nội cũng khác cả nước, thường rơi vào khoảng 14 giờ chiều và 22 giờ đêm".

Nắm bắt tình hình nêu trên, EVN Hà Nội đã chủ động chuẩn bị phương thức vận hành cấp điện theo các kịch bản, bảo đảm cấp điện an toàn liên tục trong mọi tình huống. Ngay từ những tháng cuối năm 2018, đơn vị đã rà soát, đánh giá lại thực trạng tổng thể hệ thống lưới điện, từ đó đưa ra các giải pháp điều chỉnh kết cấu đấu nối nhằm tối ưu hóa hệ thống điện. Trong mùa nắng nóng, khi nhiệt độ ngoài trời từ 36oC trở lên, tổng công ty yêu cầu các đơn vị trực thuộc không được cắt điện để phục vụ đầu tư cải tạo lưới điện (trừ các trường hợp đe dọa an toàn cung cấp điện), đấu nối phát triển lưới điện. Đồng thời, phải tổ chức trực bảo đảm điện trong toàn bộ các đơn vị. Tổng công ty sẽ thông báo trước lịch cắt điện cho các đơn vị liên quan để biết và chủ động kết hợp triển khai tối đa công tác vệ sinh công nghiệp, sửa chữa, đấu nối.

Công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa hệ thống điện cũng được tổng công ty tiếp tục quan tâm, chú trọng. Năm 2019, EVN Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị hoàn thành 271 hạng mục công trình sửa chữa lớn (trị giá 411,507 tỷ đồng) và một số công trình trước ngày 30-4 để bảo đảm củng cố lưới điện vận hành hè. Đồng thời, trong năm nay sẽ tiếp tục đầu tư 5.662 tỷ đồng cho 69 công trình 110 kV và năm công trình 220 kV trọng điểm; đôn đốc các đơn vị quản lý dự án triển khai và đưa vào vận hành một số công trình trọng điểm như Trạm biến áp 110 kV Minh Khai và nhánh rẽ; nâng công suất Máy biến áp T1, T2 Nội Bài; lắp bổ sung Máy biến áp T3 Trạm biến áp 110kV E1.10 Văn Điển… Đối với các công trình trung hạ áp, EVN Hà Nội đầu tư xây dựng 861 công trình, trong đó hoàn thành các công trình bảo đảm cấp điện trước mùa nắng nóng.

Để nâng cao hiệu quả của hệ thống điện, một giải pháp được EVN Hà Nội chú trọng chính là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và vận hành cung cấp điện. Đến nay, điện lực Hà Nội đã thao tác xa (điều khiển từ xa) 43 trong tổng số 46 Trạm biến áp 110kV; đưa 31 trạm vào vận hành ở chế độ không người trực; triển khai công nghệ hotline trên lưới để phục vụ thi công, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện không cần cắt điện. Ngoài ra, nhiều giải pháp công nghệ nổi bật khác cũng được ngành điện đưa vào như lắp đặt chống sét thông minh, thiết bị tự động chuyển nguồn trung thế, thiết bị bù cân bằng pha lưới điện hạ thế... Riêng với khách hàng, ngành điện Thủ đô đã xây dựng ứng dụng chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động, SMS, email, zalo, tổng đài 19001288, dịch vụ công trực tuyến, sử dụng Chatbox... để trao đổi, tiếp nhận thông tin và giải đáp các thắc mắc của khách hàng một cách nhanh nhất.

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành điện, mỗi người dân cũng cần có ý thức khi sử dụng các thiết bị điện. Đại diện ngành điện lực khuyến cáo, người dân nên tắt các thiết bị khi không sử dụng hoặc thiết bị không cần thiết. Khi mua sắm nên ưu tiên lựa chọn sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng tiêu thụ, thân thiện với môi trường. Vào các giờ cao điểm cần tránh sử dụng cùng lúc quá nhiều thiết bị điện công suất cao, có thể gây ra các sự cố quá tải đối với hệ thống điện. Đồng thời, các gia đình, doanh nghiệp cũng nên hưởng ứng dự án lắp đặt điện mặt trời áp mái để tận dụng nguồn năng lượng sạch này.