Cần sớm có làn đường dành riêng cho xe buýt

TP Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2020, hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) sẽ đáp ứng được từ 20 đến 25% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó xe buýt vẫn đóng vai trò chủ đạo. Muốn đạt được mục tiêu đó, thành phố cần có ngay những giải pháp cấp bách để phát triển hạ tầng dành riêng cho xe buýt, nhằm nâng cao năng lực vận hành cho phương tiện giao thông công cộng này.

Tuyến đường dành riêng cho xe buýt thường, dài 1,3 km, bắt đầu từ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên đến nút giao cắt Thanh Niên - Nghi Tàm - Yên Phụ. Ảnh: TRẦN KHÁNH
Tuyến đường dành riêng cho xe buýt thường, dài 1,3 km, bắt đầu từ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên đến nút giao cắt Thanh Niên - Nghi Tàm - Yên Phụ. Ảnh: TRẦN KHÁNH

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020. Ðể hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt từ 20 đến 25% vào năm 2020, Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính đủ điều kiện như: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Ðông) dài 5 km, Pháp Vân - Giải Phóng - Ðại Cồ Việt dài 4,7 km, Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự dài 5,9 km, Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Ðàm dài 9,6 km,...

Ngay sau khi thành phố công bố một số tuyến phố sẽ nghiên cứu triển khai làn đường dành riêng cho xe buýt, nhiều ý kiến nghi ngại với hạ tầng như hiện tại, việc này có thể làm cho tình hình ùn tắc giao thông thêm phức tạp.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, nếu không có làn đường ưu tiên, xe buýt sẽ tiếp tục bị bao vây bởi xe cá nhân. Về lâu dài, nếu không hạn chế phương tiện cá nhân, Hà Nội sẽ ngày càng tắc đường trầm trọng. Thống kê của Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị Hà Nội cho thấy, trong năm 2018, có đến 180 nghìn lượt xe buýt bỏ chuyến, quay đầu hoặc buộc phải điều chỉnh lộ trình do tắc đường (chiếm 3,5% khối lượng phục vụ). Trong sáu tháng đầu năm 2019, số chuyến xe buýt bị chậm từ 10 đến 20 phút/chuyến chiếm từ 50 đến 60% tổng số chuyến. Tốc độ xe buýt di chuyển đã giảm xuống dưới 20 km/giờ, trong khi năm 2013, tốc độ xe buýt là 23 km/giờ.

Hà Nội hiện chỉ có một đoạn đường dài 1,3 km dành riêng cho xe buýt thường, bắt đầu từ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên đến nút giao cắt Thanh Niên - Nghi Tàm - Yên Phụ. Cuối năm 2016, Hà Nội khai trương tuyến buýt nhanh với quãng đường khoảng 14,7 km từ Kim Mã xuống Yên Nghĩa với làn đường ưu tiên. Tuy nhiên, cũng có nhiều đoạn xe buýt nhanh phải đi chung với các phương tiện giao thông khác.

Lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) nhận định, có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan khiến cho tỷ lệ người dân sử dụng VTHKCC bằng xe buýt tăng, giảm thất thường. Một trong những vấn đề khó giải quyết nhất chính là thiếu hạ tầng dành riêng cho xe buýt. Hiện nay, ngoài xe BRT được bố trí làn đường riêng, tất cả các tuyến xe buýt còn lại đều sử dụng chung đường với các phương tiện khác; chịu ảnh hưởng lớn bởi ùn tắc giao thông.

Do đó, xe buýt bị hạn chế rất lớn về khả năng bảo đảm thời gian hành trình. Việc xe buýt không đáp ứng được yêu cầu về thời gian di chuyển khiến người dân, hành khách dần chuyển sang sử dụng loại hình phương tiện giao thông cá nhân.

Trước lo ngại hạ tầng không đáp ứng được việc dành làn đường riêng cho xe buýt, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, làn đường riêng là điều kiện chủ yếu để xe buýt lưu thông tốt hơn. Xe buýt đi nhanh hơn thì người dân sử dụng xe buýt thay cho xe cá nhân sẽ đông đảo hơn. Như vậy, vừa góp phần giảm số lượng phương tiện cá nhân trên đường vừa góp phần giảm ùn tắc giao thông và có ý nghĩa tích cực với kinh tế - xã hội, môi trường...

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước đây, tuyến đường Nguyễn Trãi cũng từng áp dụng làn đường riêng dành cho xe buýt và cho kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, do phục vụ thi công dự án đường sắt đô thị số 2A cho nên buộc phải bỏ; nay có thể khôi phục lại. Vì đường Nguyễn Trãi có mặt cắt rất rộng, bảo đảm đủ không gian bố trí. Trục đường này lại có nhiều trường đại học, khu dân cư đông, nếu có điều kiện cho xe buýt lưu thông tốt sẽ thu hút lượng khách rất lớn, trực tiếp giảm ùn tắc giao thông cho toàn tuyến.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cũng cho rằng, xe buýt chỉ có thể thu hút được đông đảo người dân khi chạy nhanh, đúng giờ và an toàn. Tốc độ vận hành xe buýt đang bị giảm dần, cho nên rất cần có những giải pháp để thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng. Hiện thành phố có rất nhiều tuyến đường rộng hơn 7 m, đủ để bố trí một làn riêng cho xe buýt.

TS Nguyễn Ngọc Quang, một chuyên gia về giao thông cũng đặt vấn đề: Hà Nội chọn làm tuyến nào phải thật sự có hiệu quả tuyến đó. Như tuyến Nguyễn Trãi, không chỉ tập trung làm làn đường riêng cho xe buýt mà phải đồng bộ cả giao thông tiếp cận (vỉa hè cho người đi bộ, các điểm ra vào của xe buýt…), kết nối hai bên đường tốt để việc đi lại của người dân bằng xe buýt thuận lợi. Cần kết hợp kết nối trục Nguyễn Trãi với các tuyến khác thuận lợi thì dần dần người dân mới thay đổi thói quen đi lại.

Dù phát triển xe buýt cần có thời gian, nhưng trước hết cần làm từng trục một để người dân ở trên các trục này sẽ sử dụng xe buýt. Vấn đề quan trọng là phải làm hiệu quả, chứ nếu cứ nửa vời thì sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.