Cân nhắc kỹ về dự án đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Trãi

UBND huyện Thường Tín (Hà Nội) vừa đề xuất xây dựng Khu tưởng niệm danh nhân Nguyễn Trãi với lý do đền thờ Nguyễn Trãi hiện nay có quy mô chưa tương xứng tầm vóc của một Anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng cần cân nhắc thận trọng.

Di tích đền thờ danh nhân Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín.
Di tích đền thờ danh nhân Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín.

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) là Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng dân tộc, nhà chính trị, quân sự tài ba đã phò giúp vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập nước nhà. Hiện nay, hai nơi chính thờ ông là đền thờ ở Côn Sơn (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và ở xã Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Nội). Trong đó, Nhị Khê là nơi ông Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi dạy học, cũng là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn Nguyễn Trãi thời niên thiếu. Tại Nhị Khê, đền thờ Nguyễn Trãi nằm khiêm tốn trong một khuôn viên nhỏ giữa làng. Đền thờ có kết cấu hình chữ Đinh, mang phong cách kiến trúc đời Nguyễn, do một số lần trùng tu lớn đầu thế kỷ 20. Trong đền vẫn lưu giữ được một số đồ thờ, câu đối, đạo sắc phong cổ. Năm 1964, đền thờ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Từ đó đến nay, di tích đã qua nhiều lần sửa chữa. Trong đó, năm 1980, kỷ niệm 600 năm Ngày sinh Nguyễn Trãi, nhân dân địa phương đã xây dựng thêm một hồ bán nguyệt, khu vườn trong đó có tượng Nguyễn Trãi do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sáng tác. Trong quần thể đền còn có di tích ao Huê, trại Ổi được coi là dấu tích trường dạy học xưa của ông Nguyễn Phi Khanh. Tuy nhiên, ao Huê, trại Ổi không nằm cùng khuôn viên mà cách đền thờ khoảng 500m.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Lê Thị Liễu, đền thờ Nguyễn Trãi có quy mô nhỏ, lại nằm trên đất do dòng họ Nguyễn quản lý, không gian phân tán, chưa tương xứng tầm vóc, vị thế của Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Chính vì vậy, UBND huyện Thường Tín đề xuất xây dựng Khu lưu niệm danh nhân Nguyễn Trãi. Dự kiến khu đất quy hoạch Khu tưởng niệm danh nhân Nguyễn Trãi có tổng diện tích khoảng 3,5 ha. Khu ao Huê, trại Ổi sẽ được mở rộng và xây dựng nhiều hạng mục như: Nhà lưu niệm Nguyễn Trãi, khu giới thiệu giáo dục truyền thống về lịch sử, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân Nguyễn Trãi; các công trình phụ trợ như: khu dịch vụ, trải nghiệm di sản, vườn hoa, cây xanh, nơi đón tiếp khách, bãi đỗ xe...

Nhiều nhà khoa học đồng tình với nhận định đền thờ Nguyễn Trãi hiện tại nhỏ bé, chưa tương xứng tầm vóc của một Anh hùng dân tộc. Trên cả nước, nhiều địa phương cũng đã xây mới không ít công trình tưởng niệm danh nhân trên cơ sở kết hợp giữa các kiến trúc cổ với những hạng mục xây dựng mới như: Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du ở tỉnh Hà Tĩnh; đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở TP Hải Phòng... và trở thành những địa chỉ văn hóa nổi tiếng. Tuy nhiên, phương án quy hoạch Khu lưu niệm danh nhân Nguyễn Trãi còn một số bất cập khiến các nhà khoa học băn khoăn. Tại làng Nhị Khê đã có một đền thờ Nguyễn Trãi, Khu lưu niệm lại xây dựng thêm một đền thờ nữa.

Phó Giáo sư Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, việc tạo ra hai ngôi đền thờ danh nhân Nguyễn Trãi ngay tại làng Nhị Khê là điều bất hợp lý, ở nước ta chưa từng có trường hợp nào như vậy, nhất là khi đền thờ cổ đã gắn bó với tâm thức người dân. Theo đề xuất phương án quy hoạch, trong Khu lưu niệm có tổng số hơn mười hạng mục; nhiều nhà khoa học nhận định diện tích Khu lưu niệm lớn, nhưng hồ sơ thiết kế sơ bộ công trình còn sơ sài, thiếu thuyết phục. Phó Giáo sư Nguyễn Công Việt, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia nhận định, đề xuất xây dựng Khu lưu niệm thiếu vắng những điểm nhấn cơ bản cần thiết. Ngoài hạng mục đền thờ vốn không được nhiều nhà khoa học ủng hộ và lầu chuông, gác trống, các hạng mục còn lại chủ yếu tập trung vào khu bán đồ lưu niệm, nhà ban quản lý, nhà khách...

Nhiều nhà khoa học cho rằng, việc xây dựng hạng mục nào cũng phải cân nhắc kỹ về ý nghĩa, công dụng đối với việc tôn vinh danh nhân, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau. Các nhà khoa học thống nhất, tôn vinh Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là cần thiết, nhưng cần xây dựng phương án quy hoạch có chiều sâu văn hóa, đồng thời, phải tránh lãng phí.