Bền bỉ giữ nghề truyền thống

Giữa thời buổi công nghệ kỹ thuật số lên ngôi, những trò chơi dân gian hầu như đã mất chỗ đứng trên thị trường, thì những con tò he nhiều mầu sắc lại đến gần hơn với trẻ em thành thị. Nghề làm tò he truyền thống đang được những nghệ nhân làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên nỗ lực khôi phục và phát triển.

Các nghệ nhân làng Xuân La biểu diễn nặn tò he.
Các nghệ nhân làng Xuân La biểu diễn nặn tò he.

Làng Xuân La, là làng nghề làm tò he duy nhất tại Việt Nam. Theo những nghệ nhân nơi đây, nghề nặn tò he ước chừng xuất hiện khoảng 300 năm nay. Nghệ nhân Ưu tú Chu Tiến Công, một trong những nghệ nhân có tuổi nghề cao nhất nhì làng Xuân La cho biết, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thời bao cấp, nghề tò he tưởng như đã biến mất, bởi nguyên liệu chính làm tò he là gạo nếp vô cùng khan hiếm. Thời ấy, cả làng chỉ còn vài ba hộ làm cầm chừng, đi bán ở một số lễ hội quanh vùng. Tưởng chừng sau thời đổi mới, làng nghề tò he sẽ có bước phát triển nhờ sự dồi dào của nguyên liệu, nhưng sự bùng nổ của kinh tế thị trường cùng với các loại đồ chơi công nghiệp lại tiếp tục lấn át các món đồ chơi dân gian. Nghề nặn tò he một lần nữa đứng trước nguy cơ mai một. Trải qua hàng chục năm, nghề nặn tò he không còn là nghề chính của người dân làng Xuân La, việc lựa chọn nghề truyền thống để mưu sinh hầu như không còn được giới trẻ lựa chọn. Dù vậy, người dân làng Xuân La ai ai cũng thông thạo nghề này. Trẻ em trong mỗi gia đình đều được tiếp xúc với nghề ngay khi mới chập chững tập đi, được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho những kỹ thuật cơ bản. Những đứa trẻ 4, 5 tuổi đã biết nặn các con vật đơn giản. Mỗi dịp rảnh rỗi hoặc lễ, Tết, hội làng, ai cũng có thể trổ tài nặn vài bông hoa, con thú.

Trước nguy cơ nghề truyền thống đang dần bị mai một, những nghệ nhân làng Xuân La tâm huyết với nghề như Nghệ nhân Ưu tú Chu Tiến Công vẫn miệt mài, rong ruổi khắp phố phường và các lễ hội để hành nghề và cố gắng dạy nghề, truyền nghề cho những người yêu thích. Theo người nghệ nhân già, nặn tò he tưởng chừng đơn giản, nhưng đòi hỏi người nặn phải có óc tưởng tượng tốt, có hoa tay, mà cao hơn nữa đó còn là tính nhẫn nại, cần mẫn và tình yêu thương trẻ em. Nặn được ra hình thù các con vật không khó, nhưng làm cho con vật có hồn, có cảm xúc thì không phải ai cũng làm được. Cầu kỳ là thế cho nên sau khi dạy một lớp 50 học sinh, nhiều khi nghệ nhân chỉ chọn được một, hai cháu có "hoa tay" để truyền nghề.

Sau nhiều năm tháng chưa thật sự khởi sắc, những nghệ nhân của làng Xuân La đã thành lập Câu lạc bộ Làng nghề truyền thống tò he Xuân La để chung tay giữ gìn nghề truyền thống. Từ 54 hội viên ban đầu, đến nay, số hội viên của câu lạc bộ đã tăng lên là 119 người. Ngoài những nghệ nhân cao tuổi, còn có những nghệ nhân trẻ cũng tìm cách giữ nghề theo cách riêng.

Cũng như những đứa trẻ lớn lên ở vùng quê Xuân La, đồ chơi đầu tiên trong cuộc đời anh Nguyễn Văn Thành là những quân tò he. Lớn lên, được bố truyền dạy nghề, chứng kiến niềm vui của những đứa trẻ khi được nhận những con tò he, Thành trăn trở: Làm thế nào để những con tò he sống được trong xã hội đương đại. Sau này, khi tham gia công tác địa phương, làm Bí thư Ðoàn xã Phượng Dực, rồi Bí thư Chi bộ thôn Xuân La, mỗi ngày, Thành càng thấy mình cần có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị những con tò he, nghề nặn tò he của làng Xuân La. Anh không ngừng tìm hiểu, mày mò để sáng tạo ra những mẫu sản phẩm tò he tinh tế, kỹ thuật nhất. Thành cũng là người đầu tiên và duy nhất khôi phục được các mẫu tò he cổ (mâm ngũ quả, ông tiến sĩ, 12 con giáp) cùng phương pháp "hấp" tò he (tò he sau khi nặn xong được cho vào hấp cách thủy, sấy khô rồi mới mang bán để món đồ chơi được bền hơn). Nguyễn Văn Thành từng bước trưởng thành trong nghề, được các nghệ nhân trong làng đánh giá cao về tài năng. Anh là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất của Thủ đô được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Nghệ nhân Dân gian". Ở cương vị Chủ tịch Câu lạc bộ Làng nghề truyền thống tò he Xuân La, vừa khôi phục các mẫu tò he cổ, anh Thành vừa quyết tâm đưa tò he trở thành thứ đồ chơi có thể hòa mình vào thế giới hiện đại. Anh mở ra những lớp hướng dẫn nặn tò he theo các nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích. Anh cũng tiên phong đưa tò he vào học đường bằng cách phối hợp nhiều trường học trên địa bàn thành phố để giới thiệu, hướng dẫn các em tập làm tò he.

Với sự nỗ lực trong nhiều năm qua, những con tò he xinh xắn, độc đáo của làng Xuân La đã không ít lần có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Chủ tịch CLB Làng nghề truyền thống tò he Xuân La Nguyễn Văn Thành chia sẻ, sau khi xã Phượng Dực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, câu lạc bộ sẽ xúc tiến chương trình phát triển du lịch làng nghề, mở ra hy vọng về bước phát triển của nghề nặn tò he trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa.