Bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số

Huyện Ba Vì là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với khoảng 30 nghìn người. Cùng với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, TP Hà Nội, cũng như huyện Ba Vì có nhiều biện pháp hỗ trợ để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhờ đó, văn hóa các dân tộc ngày càng khởi sắc.

Một tiết mục văn nghệ của đồng bào dân tộc Mường.
Một tiết mục văn nghệ của đồng bào dân tộc Mường.

Thành phố Hà Nội có 14 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thì trên địa bàn huyện Ba Vì đã có đến bảy xã mà đồng bào dân tộc Mường, Dao chiếm tỷ lệ lớn gồm các xã: Minh Quang, Yên Bài, Ba Trại, Ba Vì, Vân Hòa, Khánh Thượng, Tản Lĩnh. Ðồng bào Mường, Dao đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng, từ phong tục, ngôn ngữ cho đến các sinh hoạt văn nghệ…

Tuy nhiên, trước những thay đổi của xã hội, khi cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, một số phong tục, nét đẹp văn hóa có nguy cơ mai một.

Nhiều người ít mặc quần áo dân tộc, ít sử dụng tiếng nói của dân tộc mình; các sinh hoạt văn nghệ cũng thưa vắng hơn. Theo nghệ nhân Ðinh Hữu Tiến (dân tộc Mường, thôn Mồ Ðồi, xã Vân Hòa), tiếng chiêng là đặc sản văn hóa của dân tộc Mường, thế nhưng có một thời gian, các thôn, bản Mường vắng tiếng chiêng, thậm chí, có những xã không còn bộ chiêng nào. Tuy nhiên, những năm gần đây, câu chuyện đó dần lùi vào quá khứ, nhất là từ năm 2015, khi UBND huyện Ba Vì triển khai đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020". Ðề án đã tập trung tuyên truyền về bản sắc văn hóa, vận động người dân sưu tầm các phong tục, các loại hình văn nghệ dân gian và xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số giữ gìn nét văn hóa của mình.

Nhiều người sẽ bất ngờ khi dịp cuối tuần đến xã Minh Quang được nghe những tiếng chiêng binh boong dìu dặt âm vang khắp núi rừng. Ðó là khi các đội cồng chiêng luyện tập. Xã Minh Quang có hơn 5.000 người Mường và là một trong những nơi có phong trào cồng chiêng phát triển mạnh nhất ở Ba Vì. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến đội cồng chiêng thôn Lặt. Bà Ðinh Thị Hiền - người có công lớn trong khôi phục văn hóa cồng chiêng cho biết: "Tôi là giáo viên, cho nên sớm hiểu được giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Bởi vậy, tôi đã tìm hiểu về cồng chiêng, về các bài hát dân ca Mường và vận động mọi người nói tiếng Mường, gìn giữ cồng chiêng. Sau đó, nhờ có các chính sách về văn hóa dân tộc, các đội cồng chiêng ra đời và hoạt động bài bản hơn. Ngoài thôn Lặt, cả xã bây giờ có đến hàng chục bộ chiêng và nhiều người đánh giỏi". Bên cạnh đó, xã Minh Quang có các câu lạc bộ văn hóa, thể thao của người Mường. Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Ðỗ Văn Minh cho biết, cứ hai năm một lần, xã tổ chức hội thi nói tiếng dân tộc Mường, qua đó, động viên lớp trẻ tiếp tục gìn giữ đặc trưng văn hóa.

Ngoài xã Minh Quang, các xã Vân Hòa, Ba Trại có phong trào cồng chiêng phát triển mạnh, trong đó, đội cồng chiêng thôn Ðồng Chay (xã Vân Hòa) tập hợp nhiều phụ nữ. Các chị em không chỉ luyện tập, biểu diễn ở địa phương mà còn được mời đi biểu diễn ở nhiều khu du lịch, các dịp lễ quan trọng ở các cơ quan, các địa phương.

Ðồng bào Dao cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ ở Ba Vì, tập trung ở các xã: Yên Sơn, Ba Vì, Hợp Nhất…

Nhiều tập tục của đồng bào Dao cũng đang bị phai nhạt, thậm chí có nguy cơ bị quên lãng. Không chỉ giới trẻ, nhiều người ở độ tuổi từ 40 đến 50 cũng không thành thạo tiếng Dao, không biết đọc chữ cổ người Dao hay cách may trang phục của dân tộc mình. Song, các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ bảo tồn văn hóa khi triển khai đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2015-2020" đã đem lại hiệu quả.

Người Dao ở Ba Vì có nhiều bài thuốc nam quý, nhất là ở xã Yên Sơn. Bên cạnh việc tiếp cận các bài thuốc ở khía cạnh y học, giá trị các bài thuốc nam còn được nghiên cứu ở khía cạnh tri thức dân gian. Khi triển khai đề án "Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội" giai đoạn 2013 - 2015, tri thức làm thuốc nam của người Dao ở Ba Vì đã được đưa vào mục di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội cần được ưu tiên bảo vệ. Do đó, giá trị những bài thuốc được quảng bá rộng rãi hơn, bản thân người Dao cũng ý thức hơn về bảo vệ những bài thuốc của mình. Hiện tại, dưới chân núi Ba Vì có những làng thuốc nam, trồng, sản xuất, kinh doanh dược liệu và có nhiều thầy thuốc giỏi.

Trong đời sống tinh thần của người Dao, Tết Nhảy là một "đặc sản" văn hóa. Ðây là những nghi lễ tưởng nhớ Bàn Vương (tổ tiên người Dao). Tết Nhảy là nơi lưu giữ lịch sử của người Dao, lưu giữ các điệu nhảy, điệu múa, tranh thờ, ẩm thực truyền thống…

Nhờ thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, người Dao ở các xã đã khôi phục Tết Nhảy với nghi thức gần nguyên vẹn như xưa. Chỉ khác là nghi lễ được rút ngắn thời gian tổ chức để tránh phiền hà, tốn kém cho người dân.

Ba Vì là địa bàn có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều khu du lịch sinh thái như: Ao Vua, Suối Tiên, Khoang Xanh…

Thời gian gần đây, nhiều khu du lịch đã kết hợp giữa hoạt động nghỉ dưỡng với giới thiệu nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là văn hóa ẩm thực, tắm thuốc lá người Dao, biểu diễn chiêng Mường…

Các hoạt động này đang góp phần quảng bá rộng rãi văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.