Bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng

Từ tháng 3 năm nay, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động để đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào cuộc sống, nhằm lan tỏa ý thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp tri ân người tiêu dùng bằng nhiều hình thức như giảm giá, khuyến mại, miễn phí vận chuyển... Trong ảnh: Người tiêu dùng xem sản phẩm tại siêu thị điện máy Media Mart.
Các doanh nghiệp tri ân người tiêu dùng bằng nhiều hình thức như giảm giá, khuyến mại, miễn phí vận chuyển... Trong ảnh: Người tiêu dùng xem sản phẩm tại siêu thị điện máy Media Mart.

Năm nay, với chủ đề "Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững", Sở Công thương Hà Nội tổ chức hàng loạt các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3). Cụ thể, tối 16-3, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) sẽ diễn ra lễ mít-tinh hưởng ứng chương trình. Sau đó, từ ngày 17 đến 22-3, 100 điểm bán hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ thực hiện chương trình "Doanh nghiệp tri ân người tiêu dùng". Riêng tại siêu thị BigC Thăng Long, từ ngày 19 đến 23-4 sẽ diễn ra sự kiện "Ngày hội sản phẩm hàng hóa vì người tiêu dùng". Tại đây, người tiêu dùng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi tham gia các hoạt động giao dịch hàng hóa như tăng thời gian bảo hành, hỗ trợ bảo dưỡng, bảo trì miễn phí các sản phẩm, tăng điểm tích lũy khi mua sắm, được nhận quà tặng và giảm tới 50% giá bán các sản phẩm.

Sở Công thương Hà Nội phối hợp Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tổ chức ba buổi tập huấn, tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các trường trung học phổ thông. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, việc tuyên truyền đến các em học sinh rất quan trọng, bởi đây chính là những người tiêu dùng trong tương lai. Ban Tổ chức sẽ phối hợp các trường để lồng ghép vào chương trình ngoại khóa và chương trình dạy kỹ năng sống với những tình huống và kiến thức thực tế, từ đó hướng dẫn các em cách tiêu dùng hợp lý, chú ý đến an toàn, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, hiểu được các quyền cơ bản của người tiêu dùng và hình thành ý thức tự bảo vệ bản thân khi tham gia mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, đây không phải lần đầu Hà Nội triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Năm 2018, chương trình đã thu hút 70 doanh nghiệp lớn tham gia. Tổng đài 024.1081 tiếp nhận và giải đáp các thắc mắc, yêu cầu của người tiêu dùng đã thực hiện 3.912 cuộc gọi, tăng 20% so với năm 2017. Việc liên tục triển khai các hoạt động hưởng ứng "Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam" là giải pháp nhằm từng bước tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của người tiêu dùng tới toàn xã hội, tăng ý thức trách nhiệm của cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong hoạt động mua bán, kinh doanh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công thương cũng thừa nhận, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn ra khá phổ biến và đang ngày càng phức tạp, tinh vi, để lại hậu quả nghiêm trọng hơn. Tính riêng năm 2018, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã xử lý 28.649 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…, tăng 2.506 vụ so với năm trước. Bên cạnh đó, dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời, được tuyên truyền và tổ chức thực hiện từ nhiều năm, nhưng không ít người chưa biết đến quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện theo quy định của pháp luật. Nhiều người chưa biết phải phản ánh, khiếu nại các tổn thất của mình ở đâu, với ai, ngoài phản ánh đến nơi bán sản phẩm. Vì vậy, nhiều người tiêu dùng thường chọn cách im lặng bỏ qua khi bị xâm hại quyền lợi.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, khi tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng, cơ quan chức năng tiến hành xử lý vụ việc thì người tiêu dùng lại không cung cấp được các bằng chứng xác thực về việc bị xâm phạm quyền lợi, như không giữ hóa đơn chứng từ mua hàng, mua hàng tại các cơ sở, địa chỉ không rõ ràng, khó xác minh nguồn gốc… Điều này khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong hỗ trợ, xử lý vụ việc.

Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn, các ngành chức năng của TP Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của người tiêu dùng tới đông đảo người dân. Qua đó, xây dựng ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi giao dịch, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành hàng tham gia tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tiếp, tri ân người tiêu dùng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các hệ thống dịch vụ và cửa hàng cung ứng sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì doanh nghiệp cần giữ được uy tín, danh tiếng của mình thông qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Người dân khi gặp phải các trường hợp bị xâm phạm quyền lợi cần mạnh dạn, chủ động lên tiếng để bảo vệ bản thân và người chung quanh, từng bước xây dựng thị trường tiêu dùng văn minh, minh bạch, công bằng.