Bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu trên thị trường

Ngày 5-2, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phối hợp Sở Công thương Hà Nội đã kiểm tra tình hình cung ứng, phân phối hàng hóa tại thị trường Hà Nội.

Hệ thống siêu thị Big C đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng dưa hấu, thanh long.
Hệ thống siêu thị Big C đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng dưa hấu, thanh long.

Hầu hết các đơn vị phân phối đều cho biết sẽ tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu, nhằm bình ổn giá, đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang khó xuất khẩu vì chịu ảnh hưởng của dịch bệnh do vi-rút 2019-nCoV. 

Tăng nguồn hàng dự trữ

Cho đến thời điểm này, lượng hàng hóa dự trữ tại các kho của hệ thống siêu thị VinMart, Big C, Saigon Co.op… tại Hà Nội đã tăng gấp ba lần so với bình thường. Khảo sát thực tế tại các siêu thị này vào sáng 5-2, các gian hàng, quầy kệ đều đầy ắp hàng hóa, nhất là những mặt hàng thực phẩm tươi sống. Sức mua của người dân duy trì ổn định, nhưng một số mặt hàng được cho là có tác dụng làm tăng sức đề kháng như tỏi, cần tây, cam, quýt... có sức tiêu thụ lớn hơn các mặt hàng khác.

Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long, Khúc Tiến Hà cho biết, hệ thống Big C không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, thậm chí nhiều sản phẩm rau, củ, quả tươi như: bắp cải, xoài… đang có giá bán thấp hơn thị trường. Siêu thị đã kết nối Tập đoàn Dệt may Việt Nam để phân phối khẩu trang vải kháng khuẩn. Từ ngày 7-2, các mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn sẽ tiếp tục được cung ứng và bày bán rộng rãi tại toàn hệ thống Big C.

Ðại diện hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Mart cũng cho biết, đơn vị đã tăng 50% lượng hàng cung ứng cho thị trường. Hệ thống VinMart tăng từ 30% đến 50% lượng hàng dự trữ, bảo đảm đủ nguồn hàng cung ứng cho người dân và giữ giá bán ổn định trong thời gian dài. Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga nhận định, hiện các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu như rau, củ, quả, gạo, mì, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị ở Hà Nội với số lượng khá lớn, mức giá ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá như người dân lo ngại.

Cùng với việc chủ động nguồn hàng dự trữ lớn, các hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội đã chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang bị ùn ứ do việc giao thương với Trung Quốc bị gián đoạn. Ðại diện siêu thị Big C cho biết, các mặt hàng dưa hấu, thanh long được vận chuyển từ vùng sản xuất đưa vào bán trong hệ thống siêu thị. Trung bình, mỗi ngày hệ thống siêu thị tiêu thụ 40 tấn dưa hấu, 40 tấn thanh long ruột trắng và từ 20 đến 30 tấn thanh long ruột đỏ. Bà Nguyễn Kim Dung, Chủ tịch Công đoàn Saigon Co.op cam kết, sẽ tiêu thụ các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh để kịp thời hỗ trợ nông dân.

Người dân không nên tích trữ thực phẩm

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan cho biết, trước tình hình dịch bệnh do do vi-rút 2019-nCoV diễn biến phức tạp, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối phân phối tăng nguồn hàng dự trữ, khai thác mạnh các nguồn cung cấp. Ðồng thời, đa dạng kênh phân phối như thông qua kênh bán hàng trực tuyến để tạo điều kiện cho người dân không cần phải ra ngoài, đi đến nơi đông đúc mà vẫn có thể mua sắm được thực phẩm, hàng hóa. Sở đã thành lập tổ nắm bắt tình hình thị trường hằng ngày để có thể điều tiết một cách nhanh nhất. Ðồng thời, đề nghị các hệ thống phân phối luân chuyển hàng hóa tới các cửa hàng nhỏ lẻ, xa trung tâm để bảo đảm nguồn cung cấp, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Riêng các Ban quản lý chợ cần chịu trách nhiệm với thành phố, Sở Công thương trong việc kiểm soát giá và vệ sinh an toàn thực phẩm kinh doanh tại chợ. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của thành phố triển khai mạnh các giải pháp để góp phần kéo mặt bằng giá tại các chợ xuống đúng và gần với mức giá phù hợp.

Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho biết, để hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh do vi-rút 2019-nCoV, Vụ Thị trường trong nước đang theo dõi sát diễn biến của các mặt hàng thiết yếu để có những giải pháp kịp thời trong từng thời kỳ dịch. Chú trọng tăng cường kết nối để tiêu thụ những mặt hàng cho người dân, cũng như tiêu thụ những mặt hàng nông sản, thủy sản đang gặp khó khăn, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Riêng các mặt hàng cần thiết cho việc phòng, chống dịch như nước rửa tay, xà-phòng rửa tay, các chất tẩy rửa và khẩu trang, Vụ thị trường đã kết nối để đưa khẩu trang vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị như VinMart, Aeon, Saigon Co.op…

Ðại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng, hiện công tác phòng, chống dịch đang được kiểm soát chặt chẽ, nguồn cung ứng hàng hóa trong nước rất dồi dào, cho nên người dân không nên hoang mang, phát sinh tâm lý mua hàng tích trữ, ảnh hưởng tiêu cực đến việc ổn định thị trường. Các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn Hà Nội bảo đảm cung ứng được cho người dân những mặt hàng mà người dân đang cần, nhất là các loại thực phẩm thiết yếu, thực phẩm bổ sung, các mặt hàng cần thiết trong công tác phòng, chống dịch…