Ðẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch nông thôn

Nhờ chủ động phát triển nguồn cung cấp nước, đến nay TP Hà Nội đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân đô thị. Tuy nhiên, nhiều dự án cấp nước sạch khu vực nông thôn chậm trễ, ảnh hưởng đến kế hoạch cấp nước sạch chung của thành phố.

Vận hành dây chuyền sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước mặt sông Ðuống. Ảnh: ÐĂNG ANH
Vận hành dây chuyền sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước mặt sông Ðuống. Ảnh: ÐĂNG ANH

Thực hiện chủ trương xã hội hóa việc cung cấp nước sạch, từ năm 2014, 2015, Công ty TNHH Hùng Thành Phù Ðổng đã đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch, mạng lưới đường ống, lắp đặt khoảng 1.800 đồng hồ nước phục vụ người dân trên địa bàn xã Phù Ðổng (huyện Gia Lâm). Tuy nhiên, do chất lượng nước không ổn định, đến nay mới có khoảng 1.000 hộ dân sử dụng nước sạch trên tổng số hơn 4.000 hộ dân của xã. Tháng 10-2018, Nhà máy nước mặt sông Ðuống, nằm trên địa bàn xã Phù Ðổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) giai đoạn 1 hoàn thành, với công suất 150 nghìn m3/ngày đêm, chất lượng nước bảo đảm uống trực tiếp tại vòi đi vào hoạt động, người dân xã Phù Ðổng thường xuyên kiến nghị được sử dụng nguồn nước sạch từ nhà máy này. Trước kiến nghị của người dân, lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm đã đề nghị Công ty cổ phần nước mặt sông Ðuống đàm phán mua lại dự án của Công ty TNHH Hùng Thành Phù Ðổng để tiếp tục đầu tư, trực tiếp cung cấp nước sạch cho người dân xã Phù Ðổng, những người đã nhường đất thực hiện dự án, nhưng đến nay việc tiếp quản dự án chưa hoàn tất. Cùng với xã Phù Ðổng, người dân của năm xã khác, gồm Trung Mầu, Dương Quang, Kim Sơn, Lệ Chi và Văn Ðức, địa bàn nằm trong kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước sạch của thành phố trong năm 2019 cũng đang rất mong đợi sớm được sử dụng nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Ðuống, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thực hiện.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong những năm qua, hệ thống cấp nước trên địa bàn thành phố từng bước được đầu tư xây dựng. Ðến nay, UBND thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước. Năm 2018, có bốn dự án cấp nguồn hoàn thành, bổ sung khoảng 335 m3/ngày đêm cho thành phố. Tổng công suất nguồn cấp đạt khoảng 1,37 triệu m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu sử dụng nước bình quân hiện nay từ 1,1 triệu nghìn m3 đến 1,2 triệu m3/ngày đêm, cộng với nhu cầu sử dụng trong những ngày hè tăng từ 5 đến 10%, cơ bản bảo đảm đủ nguồn cung nước sạch khu vực đô thị, nông thôn. Cùng với đó, một số dự án phát triển mạng được thực hiện, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên hơn 55%. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trong năm 2019 cơ bản hoàn thành các dự án nguồn và mạng cấp nước sạch, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt từ 73 đến 75% còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối với năm dự án phát triển nguồn, mạng lưới cấp nước, gồm Nhà máy nước mặt sông Ðuống giai đoạn 2, Nhà máy nước mặt sông Hồng, Nhà máy nước mặt sông Ðà giai đoạn 2, dự án nâng công suất Nhà máy nước Ba Vì và Nhà máy nước Mê Linh để tăng công suất thêm khoảng 525 nghìn m3/ngày đêm, đến nay còn dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng vẫn chưa hẹn ngày khởi công. Còn đối với các dự án phát triển mạng lưới cấp nước, nhiều dự án chưa thực hiện như dự án phát triển mạng lưới 18 xã của huyện Sóc Sơn, chín xã của huyện Ðông Anh, năm xã của huyện Gia Lâm; đầu tư phát triển mạng lưới các xã thuộc các huyện Thường Tín, Mỹ Ðức, Ứng Hòa, Thanh Oai, do Công ty cổ phần Nước Aqua One và Công ty cổ phần nước mặt sông Ðuống làm chủ đầu tư. Công ty cổ phần Cấp nước Mê Linh cũng chưa thực hiện dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên xã Văn Khê, Hoàng Kim, Thạch Ðà, Chu Phan, Tiến Thịnh, Vạn Yên, Liên Mạc, Tự Lập… Tổng số xã nằm trong kế hoạch đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước sạch là 229 xã, với tổng số hơn 534 nghìn hộ dân, nhưng đến nay mới thực hiện được hơn 21%.

Để nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch khu vực nông thôn, UBND thành phố cần chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tuyên truyền người dân về lợi ích của việc sử dụng nước sạch với sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống; gắn việc sử dụng nước sạch nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Vận động, tạo điều kiện để người dân đóng góp chi phí đầu tư lắp đặt đồng hồ nước, chi phí này sẽ được khấu trừ vào tiền nước sử dụng hằng tháng để cộng đồng trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng nước sạch...