Ðẩy mạnh liên kết phát triển du lịch

Từ năm 2016 đến 2018, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức ký kết chín chương trình hợp tác, phát triển du lịch với ngành du lịch của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thông qua hoạt động liên kết, các bên đã hình thành những hoạt động cụ thể, hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ công tác quảng bá, hình thành những tua liên tỉnh hấp dẫn… Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức "Tọa đàm liên kết hợp tác phát triển du lịch thành phố Hà Nội và các địa phương" để bàn các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động du lịch.

Khách du lịch tham quan Khu du lịch bản Cát Cát (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: ÐĂNG ANH
Khách du lịch tham quan Khu du lịch bản Cát Cát (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: ÐĂNG ANH

Thông qua các chương trình hợp tác, Hà Nội đã xây dựng được những sản phẩm, tua du lịch mới như chương trình du lịch kết hợp giữa du lịch biển và khám phá hang động khởi hành từ Hà Nội qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và kết thúc tại Quảng Bình; tua du lịch Hà Nội với các địa phương hành lang kinh tế Lào Cai - Hải Phòng - Quảng Ninh; tua du lịch Hà Nội và các tỉnh vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên, Lào Cai); Hà Nội và các tỉnh miền trung (Thừa Thiên - Huế - Ðà Nẵng - Quảng Nam); Hà Nội - duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Khánh Hòa, Lâm Ðồng, Gia Lai, Ðác Lắc)… Hà Nội cũng tích cực tổ chức nhiều đoàn lữ hành đến khảo sát tiềm năng du lịch các tỉnh như: Hòa Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Ðiện Biên, Thanh Hóa, Hưng Yên…; đồng thời, phối hợp xúc tiến, quảng bá du lịch hai chiều với phần lớn các địa phương đã tham gia chương trình ký kết. Hiệu quả hợp tác du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh miền bắc, Bắc Trung Bộ thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng của khách du lịch, doanh thu từ du lịch của tất cả các địa phương đều tăng trưởng tốt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc liên kết vẫn chủ yếu tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến thông qua các hoạt động giới thiệu văn hóa, tổ chức các đoàn famtrip (các công ty lữ hành khảo sát) trong khi đó những vấn đề như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực… vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Hoạt động liên kết chưa tương xứng với tiềm năng.

Tại cuộc Tọa đàm liên kết hợp tác phát triển du lịch thành phố Hà Nội và các địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, khách du lịch Hà Nội là đối tượng có khả năng chi tiêu cao, đồng thời, du lịch Hà Nội được đầu tư bài bản, cho nên cần hỗ trợ thêm các địa phương khác. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải cho biết: "Việc kết nối các doanh nghiệp Hà Nội với Hà Giang và các tỉnh thực hiện tốt. Lượng khách du lịch đến Hà Nội và các tỉnh đều tăng trưởng khá. Hà Nội đã ký hợp đồng quảng bá du lịch với kênh CNN. Chúng tôi mong rằng cùng với giới thiệu du lịch Thủ đô, thành phố nên có lộ trình để giới thiệu thêm du lịch các địa phương khác. Các địa phương cũng cần phối hợp để xây dựng chương trình hợp tác với các hãng hàng không để vận chuyển khách trong kích cầu du lịch". Trong khi đó, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường đề xuất: "Hiện nay, khách du lịch từ Hà Nội vào Nghệ An là nhóm khách có khả năng chi tiêu cao. Việc liên kết không chỉ dừng lại ở tổ chức các đoàn famtrip để quảng bá và xây dựng sản phẩm, mà còn phải liên kết bằng cung cấp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước để học hỏi kinh nghiệm. Hà Nội là thành phố có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Cổng thông tin du lịch của Hà Nội vận hành tốt. Nhưng nếu cổng thông tin này kết nối với các địa phương để hỗ trợ lẫn nhau sẽ tốt hơn".

Công tác xây dựng sản phẩm du lịch vẫn là một trong những vướng mắc lớn nhất trong liên kết. Mỗi địa phương có những thế mạnh riêng, nhưng nhiều địa phương có những nét tương đồng. Bởi vậy, phải có chương trình hợp tác cụ thể, mới có thể giới thiệu cho các hãng lữ hành những sản phẩm hấp dẫn nhất. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải cho biết: "Có những địa phương có sản phẩm du lịch tương đồng. Thí dụ Hà Giang có một số nét giống Lào Cai. Bởi vậy, nên tăng cường liên kết giữa những địa phương, vùng, miền có đặc trưng du lịch khác nhau như Hà Nội với Hà Giang, hoặc xa hơn nữa là các tỉnh miền trung, miền nam để tạo ra sản phẩm độc đáo". Ninh Bình cũng là địa phương thực hiện tốt công tác liên kết, nhất là với Hà Nội. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Hoàng Thanh Phong, mỗi năm, Ninh Bình tiếp khoảng 100 đến 150 doanh nghiệp lữ hành về khảo sát. Ý kiến đóng góp của các hãng lữ hành rất quan trọng, giúp Ninh Bình nhận ra hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng dịch vụ ở các điểm đến. Tuy nhiên, ông Phong cho biết, cần có biện pháp để tăng hiệu quả của các chuyến khảo sát. Chẳng hạn như chương trình "Hành trình qua các kinh đô Việt cổ" xây dựng được một chương trình rất hấp dẫn, du lịch qua các kinh đô cổ ở Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, nhưng đến nay chưa triển khai thành tua du lịch được.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải liên kết để giải quyết vấn đề chất lượng nhân lực. Ðây là vấn đề mà riêng lẻ một địa phương rất khó khăn, nhất là đối với du lịch cộng đồng. Các tỉnh, thành phố cần xây dựng chương trình hợp tác, tiếp đó, phối hợp các cơ quan đào tạo nhân lực để cùng bồi dưỡng kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm. Về những đề xuất, những băn khoăn của du lịch các địa phương trong vấn đề liên kết, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Ðức Hải khẳng định, việc liên kết có được thực hiện tốt hay không trước hết là do chất lượng điểm đến. Các địa phương cần nâng cao chất lượng điểm đến cả về hạ tầng lẫn dịch vụ, con người. Việc bồi dưỡng kiến thức làm du lịch phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để người dân nâng cao kiến thức và nhận thức. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Ðức Hải cũng đề nghị các địa phương xây dựng các chương trình liên kết phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, chú trọng đến du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.