Áp dụng công nghệ mới, hiện đại trong sản xuất công nghiệp

Sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật, nhất là thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã và đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực công nghiệp của Hà Nội. Nhưng cơ hội luôn đi cùng thách thức. Nếu không thay đổi, doanh nghiệp trong nước khó có cơ hội phát triển.

Ứng dụng gia công công nghệ cao trong thiết kế, chế tạo với sự trợ giúp của máy tính tại Công ty Năng lực Việt.
Ứng dụng gia công công nghệ cao trong thiết kế, chế tạo với sự trợ giúp của máy tính tại Công ty Năng lực Việt.

Thời gian gần đây, một số lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp của Hà Nội như điện tử, cơ khí chế tạo, cơ điện tử, linh phụ kiện điện tử và ngành công nghiệp ô-tô, xe máy… có sự phát triển đột phá, tạo ra giá trị lớn như ngành điện tử. Sự phát triển này là kết quả của việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến. Ngành cơ khí chế tạo Hà Nội đã ứng dụng công nghệ gia công CNC, thiết kế và chế tạo với sự trợ giúp của máy tính CAD/CAM, tự động hóa các chức năng với bộ điều khiển chương trình logic PLC.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, nhất là các doanh nghiệp FDI, đã có sản lượng hàng chục triệu sản phẩm, doanh thu hàng trăm triệu USD/năm, nhờ áp dụng mạnh mẽ công nghệ tự động hóa, sử dụng kỹ thuật rô-bốt, các phầm mềm và công nghệ thiết kế, điều khiển chuyên dụng. Một số doanh nghiệp trong nước như Kim khí Thăng Long, Nhựa Hà Nội, Xích líp Đông Anh… bước đầu ứng dụng hiệu quả công nghệ mới về hàn, đột dập tấm lớn và các chi tiết nhỏ có độ chính xác cao, sử dụng các phần mềm thiết kế và điều khiển chuyên dụng, chế tạo khuôn mẫu, đúc áp lực và nhiều công nghệ tiên tiến như công nghệ plát-ma, la-de, rô-bốt…

Ứng dụng công nghệ hiệu quả đã tạo ra sự thay đổi, thúc đẩy công nghiệp phát triển. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp của Hà Nội năm 2018 tiếp tục tăng trưởng. Theo báo cáo của Sở Công thương thành phố, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2018 tăng 7,7%, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Không dừng lại ở phục vụ thị trường trong nước, các sản phẩm công nghiệp thế mạnh của Hà Nội đã tăng trưởng nhanh về giá trị xuất khẩu. Có thể kể đến nhiều dòng sản phẩm xuất khẩu chủ lực như máy biến thế, dây và cáp điện, máy x-quang, ống thép, nhà thép tiền chế, khuôn mẫu, bao bì kim loại và linh kiện cơ khí cho các sản phẩm điện tử, cơ điện tử, ô-tô, xe máy... Theo thống kê, các mặt hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1.491 triệu USD, chiếm tỷ trọng 12,9%, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017; hàng điện tử ước đạt 454 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,9%, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017…

Không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu các sản phẩm hoàn chỉnh, các doanh nghiệp còn xuất khẩu cả chi tiết, linh kiện phụ tùng cho các trung tâm sản xuất lắp ráp lớn thuộc những tập đoàn đa quốc gia của thế giới. Theo nhận định của các chuyên gia, có thể xem Thủ đô Hà Nội đã trở thành trung tâm chế tạo mới của khu vực và thế giới, nhất là trong ngành cơ điện tử.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng đánh giá, ngành công nghiệp của Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhờ các doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực công nghệ cao vào sản xuất tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, được thị trường tiêu thụ ổn định.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp của Hà Nội là nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy đạt được kết quả nhất định nhưng ngành công nghiệp Thủ đô vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập nhằm thu hút chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao. Nếu không tính các doanh nghiệp FDI, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp của Hà Nội mới đang tổ chức sản xuất và sử dụng công nghệ của thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ hai hoặc lần thứ ba. Nhiều sản phẩm vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Năng suất lao động thấp, trình độ quản lý của doanh nghiệp còn yếu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước đang có nguy cơ thua ngay trên sân nhà trước các đối thủ có công nghệ hiện đại.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Hà Nội chịu áp lực về không gian đô thị, bảo vệ môi trường, cho nên ngành công nghiệp sẽ không phát triển rộng mà sẽ tập trung cho các sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Thành phố sẽ thu hút đầu tư có lựa chọn, hướng đến tập đoàn sản xuất có trình độ cao, kiên quyết từ chối các dự án đầu tư công nghệ thấp, lạc hậu, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Thành phố sẽ gắn kết sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm của Hà Nội với các doanh nghiệp, sản phẩm của Vùng Thủ đô, các tỉnh khu vực phía bắc và cả nước, từ đó tạo chuỗi liên kết giá trị sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong hợp tác và hội nhập quốc tế.