Tránh nguy cơ sốt đất ảo

Thị trường bất động sản khu vực huyện Gia Lâm (Hà Nội) những ngày gần đây trở nên sôi động hơn, khi lượng giao dịch tại khu vực này đang tăng đột biến. Nằm ở cửa ngõ phía đông Hà Nội, là nơi kết nối với nhiều tỉnh, thành phố như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang,... huyện Gia Lâm được nhiều chuyên gia đánh giá là nơi có vị trí đẹp về phong thủy. Nhất là sau khi xuất hiện thông tin huyện Gia Lâm sẽ trở thành quận vào năm 2020 và sự xuất hiện của dự án khu đô thị Vincity Ocean Park tại đây đã khiến phân khúc đất thổ cư và đất nền phân lô ở gần khu vực có dự án nêu trên tăng giá mạnh. Dự án này nằm trên địa bàn các xã: Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Dương X&aacut

Qua khảo sát cho thấy, giá đất thuộc khu vực Trâu Quỳ ở thời điểm hiện tại có thể lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, dao động ở mức trung bình từ 45 đến 50 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền phố Ngô Xuân Quảng trước được chào giá từ 100 đến 120 triệu đồng/m2, nay giá rao bán từ 120 đến 135 triệu đồng/m2. Tại các xã lân cận như: Đông Dư, Đa Tốn, Đặng Xá, giá đất từ 20 đến 30 triệu đồng/m2, tăng từ hai đến ba triệu đồng/m2 so với thời điểm cuối năm 2018.

Không khó để nhận thấy, việc tăng giá đất nền ở huyện Gia Lâm trong thời gian gần đây có sự tham gia của các nhà đầu cơ, cố tình “kích giá” để hưởng lợi. Những người tham gia thị trường phần lớn là giới đầu tư, còn những người có nhu cầu mua để ở thì không nhiều. Mặt khác, với những địa bàn như huyện Gia Lâm, Đông Anh,... quỹ đất để thực hiện những dự án tương tự vẫn còn khá dồi dào, tiềm năng vẫn còn rất lớn, khó tạo ra tình trạng khan hiếm. Theo đại diện một văn phòng môi giới đất nền tại Gia Lâm, cơn sốt đất ở các xã Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Dương Xá và thị trấn Trâu Quỳ đang là cơn sốt ảo, ăn theo một dự án lớn. Những dự án lớn sẽ làm thay đổi diện mạo và kích thích giá trị bất động sản khu vực, nhưng cần có thời gian và lộ trình. Người mua cần cân nhắc đến yếu tố quy hoạch, thời gian phát triển hạ tầng khi mua các lô đất trong ngõ.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Việt Nam nhận định, việc sốt đất nền quanh các siêu dự án là điều dễ hiểu và cũng là điều chấp nhận được của thị trường bất động sản, tuy nhiên, cần xem xét mức tăng giá của các lô đất nền trước và trong thời điểm có dự án. “Nếu đất nền thật sự tăng ở mức cao thì cũng cần xem xét, cần cẩn trọng trước nguy cơ sốt ảo”, bà An nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, giá đất tăng đột biến tại huyện Gia Lâm và các huyện chuẩn bị thành quận tại Hà Nội là điều bất hợp lý, bởi bất động sản chỉ tăng tỷ lệ thuận với thực tế đầu tư đồng bộ hạ tầng, đường sá; đầu tư hệ thống xã hội như trường học, bệnh viện, thương mại… nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân. Khi nào hoàn thiện được tất cả yếu tố nêu trên, theo đúng lộ trình về quy hoạch thì lúc đó giá trị bất động sản tăng lên mới tương xứng. Việc các công ty môi giới, "cò" đẩy giá đất lên cao rất dễ dẫn đến tình trạng "vỡ bong bóng", người mua sau cùng (chủ yếu là người dân) khó tránh khỏi thiệt hại.

Theo ông Đính, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần rà soát hiện trạng giá đất để có biện pháp chấn chỉnh; đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân, nhà đầu tư biết, tránh nguy cơ sốt đất ảo với nhiều hệ lụy tác động tiêu cực đến an sinh xã hội.