Phía tây và phía đông đều tăng "nhiệt"

Khi cơ sở hạ tầng đồng bộ, tất yếu bất động sản sẽ có giá trị cao. Vì thế, bất động sản nằm trong những khu vực có trục đường mới đi qua, cùng điện, trường, trạm được xây dựng hoàn thiện, đều được giới đầu tư săn đón.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản khu vực phía tây phát triển hơn các khu vực khác bởi Hà Nội quy hoạch về hướng tây - tây nam. Sau hơn chục năm phát triển, hiện tại, khu vực phía tây đang hưởng lợi lớn từ việc hàng loạt tuyến đường huyết mạch mở rộng và đưa vào sử dụng giúp việc di chuyển trở nên thuận tiện hơn. Nhiều tuyến đường quan trọng như đường trên cao Vành đai 3, đường Tố Hữu, đường 70, đường Vạn Phúc, Lê Trọng Tấn liên tục được hoàn thiện.

Các tuyến đường lớn được đầu tư mới hoặc cải tạo mở rộng như nút giao Vạn Phúc - Lê Văn Lương kéo dài, hầm chui Thăng Long - Khuất Duy Tiến, đường Lê Trọng Tấn-Văn Phú… tạo sự thông suốt cho tam giác phía tây là Hà Ðông - Nam Từ Liêm - Cầu Giấy. Nhiều trung tâm thương mại đã mọc lên, và đầu tháng 3-2018, Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Ðông, với tổng diện tích 98 nghìn m2 đã được khởi công,tạo thêm lực đẩy cho thị trường bất động sản khu vực này thêm sôi động. Thực tế, thời gian qua, nhiều dự án khu vực này như Hateco Apollo mặt đường Xuân Phương, Roman Plaza mặt đường Tố Hữu, TNR Goldmark City mặt đường Hồ Tùng Mậu, Sixth Element mặt đường Nguyễn Văn Huyên, Golden Park nằm tại ngã tư Dương Ðình Nghệ - Phạm Văn Bạch,… có sức hút lớn đối với nhà đầu tư và người có nhu cầu thật sự. Theo một số nhân viên môi giới của sàn bất động sản, so với thời điểm này năm trước, giá bất động sản khu vực phía tây đã tăng nhẹ.

Giới đầu tư bất động sản dự báo, tới đây, nhà đất khu vực Ðông Anh, nhất là các xã nằm ven trục Nhật Tân - Nội Bài sẽ có sự xáo động. Theo quy hoạch, tổng diện tích lập Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài là 2.080 ha, gồm bốn đoạn chính với tổng chiều dài khoảng 11,7 km. Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài xác định tuyến đường này là trục động lực phát triển kinh tế quan trọng của khu vực, nhằm liên kết phát triển tổ hợp hệ thống các trung tâm tài chính ngân hàng, trung tâm thương mại, khách sạn, bệnh viện cao cấp, công trình văn hóa, khu nhà ở chất lượng cao. Hơn một năm trở lại đây, bất động sản Ðông Anh đã thu hút nhiều nhà đầu tư và người dân về tìm hiểu, mua đất, bởi cơ sở hạ tầng tại đây đang dần được hoàn thiện.

Phân tích về sự phát triển thị trường bất động sản "ăn theo" cơ sở hạ tầng, chuyên gia của Tập đoàn Tư vấn và quản lý bất động sản (CBRE) Việt Nam cho biết, để phát triển bất động sản, trước tiên, phải có quy hoạch cơ sở hạ tầng tổng thể, từ toàn bộ thành phố, xuống quận, phường; sau đó là quy hoạch chi tiết cho từng khu đất. Trong quy hoạch tổng thể này phải ghi rõ mật độ xây dựng, mật độ dân số… để làm sao biết được khu vực của một quận (nào đó) trong tương lai có dân số bao nhiêu, khu vực nào tập trung nhiều văn phòng, khu vực nào nhiều trung tâm thương mại, nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng trước. Cơ sở hạ tầng phải đi trước bất động sản một bước. Nhưng thời gian qua, tại Việt Nam, thị trường đang chạy đua theo nhu cầu của người tham gia thị trường mà thiếu sự quản lý chặt chẽ. Như ở một số huyện, nhiều dự án bất động sản đang phát triển nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, cho nên dự án xây xong "đắp chiếu" hoặc do ít người mua cho nên chủ đầu tư không tái cấp vốn đủ để triển khai dự án đúng tiến độ.

Ðồng quan điểm, nhiều chuyên gia quản lý đô thị cho rằng, cần có quy định ràng buộc để chủ đầu tư, nhà phát triển dự án phải tuân thủ quy hoạch tổng thể. Quan trọng hơn cả là cần cải thiện tính minh bạch về thông tin và hệ thống luật pháp của thị trường bất động sản.