Tài chính - Ngân hàng

Tích cực xử lý nợ xấu

Theo Báo cáo về tình hình kinh tế năm 2014 và triển vọng 2015 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhờ quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, cũng như môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, rủi ro của hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm bớt. Sự ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng thể hiện rất rõ ở chỉ số thanh khoản hệ thống dồi dào, tiền gửi của khu vực dân cư và tổ chức kinh tế tăng mạnh, mặc dù lãi suất huy động giảm. Chỉ số LDR (Chỉ số dư nợ trên huy động vốn) giảm. Chỉ số này toàn hệ thống tại thời điểm ngày 31-10-2014 ở mức 83,43% là mức thấp trong nhiều năm qua. Cùng với đó, chất lượng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng cũng được cải thiện, các tổ chức tín dụng tích cực trích lập dự phòng rủi ro t&

Vietcombank được xem là một trong những ngân hàng đạt kỷ lục về thu nợ xấu. Theo số liệu cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank giảm mạnh về mức dưới 2,3%. Số dư quỹ dự phòng rủi ro đã gần tương đương với tổng số dư nợ xấu. Đại diện Vietcombank cho biết, tổng số nợ ngoại bảng mà ngân hàng thu hồi được trong năm 2014 tới hơn 1.800 tỷ đồng, tăng gấp hai lần năm 2013. Vì thế, lợi nhuận trước dự phòng của Vietcombank tăng 12,4% so với năm 2013. Tốc độ này giúp ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tới 4.535 tỷ đồng, tăng 29,2% so với số trích lập của năm 2013 và vẫn bảo đảm lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 5.680 tỷ đồng.

Về tiến trình xử lý nợ xấu, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến hết năm 2014, doanh số mua nợ dự kiến đạt từ 125 nghìn tỷ đến 130 nghìn tỷ đồng nợ gốc với giá mua 105 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, để xử lý nhanh nợ sau mua, rất cần các ngành, các cấp phải cùng vào cuộc. Năm nay, VAMC tiếp tục mua nợ theo mục tiêu đặt ra, để đến 2016, đưa tổng doanh số mua lên mức 200 nghìn tỷ đồng; sau đó bắt tay xử lý nợ xấu đã mua.

Để đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3% gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu; tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của Công ty VAMC, trong đó thực hiện việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường; tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

Đánh giá về việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua, các chuyên gia kinh tế đều ghi nhận những nỗ lực giải quyết của cơ quan chức năng. Và mặc dù, tiến trình đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn trong năm 2015 là khá khó khăn, song Ngân hàng Nhà nước khẳng định, từ kết quả xử lý nợ xấu đạt được cùng với việc tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng và sự phối hợp đồng bộ, tích cực của các bộ, ngành, địa phương, nợ xấu sẽ được đưa về mức an toàn đến cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra.