Thận trọng với tỷ giá

Sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá đợt đầu năm, dư luận lo ngại sẽ có một đợt điều chỉnh nữa. Các chuyên gia cho rằng, cần thận trọng khi tính tới điều chỉnh tỷ giá tăng như đợt đầu năm.

Ngày 1-4, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2015, các thành viên Chính phủ đều nhất trí cho rằng, bức tranh chung tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và ba tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực trên hầu hết lĩnh vực. Trong đó nổi lên, GDP quý I-2015 tăng trưởng 6,03%. Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ năm năm trở lại đây, mức tăng chủ yếu là do tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, có được kết quả này là do sự vào cuộc tích cực của tất cả bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương trong triển khai các Nghị quyết của Trung ương; kịp thời cụ thể hóa các Nghị quyết bằng các chương trình, hành động cụ thể. Tuy nhiên, khi phân tích góc độ điều hành chính sách tiền tệ, theo các chuyên gia, mặc dù ghi nhận những tín hiệu khả quan của nền kinh tế trong quý I nhưng thách thức trong điều hành kinh tế vẫn còn ở phía trước, trong đó, vấn đề được quan tâm là việc điều hành tỷ giá. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, nhưng chính sách tiền tệ của các nước hiện đang quá trái chiều. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi mục tiêu giới hạn điều chỉnh tỷ giá 2% trong năm nay. Quan điểm mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là, nếu phá giá ngay trong bối cảnh hiện tại chưa chắc đã có tác động tích cực, mà còn gây nhiều hệ lụy. Tăng trưởng tín dụng đến nay là 1,91%, không tính trái phiếu, đây là mức tăng trưởng khá ổn định.

Chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chưa cần điều chỉnh tỷ giá VND/USD. Nguyên nhân là, mặc dù tăng tỷ giá có thể hỗ trợ xuất khẩu nhưng những doanh nghiệp nhập khẩu phải đổi một lượng tiền đồng lớn hơn để thanh toán hàng nhập khẩu, mà hàng nhập khẩu phục vụ xuất khẩu và chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước. Nếu hàng nhập khẩu tăng giá do điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, làm tăng lạm phát, làm chao đảo niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào VND. Đặc biệt, khi tỷ giá tăng, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong kế hoạch tài chính cho những tháng tới vì họ không lường được biến động về tỷ giá. Vì thế, giữ tỷ giá như hiện tại sẽ hỗ trợ lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào VND, đồng thời hạn chế tăng giá hàng nhập khẩu. "Theo tôi, chúng ta không nên “neo” cứng ở mức 2% mà nên linh hoạt trong điều chỉnh. Tỷ giá biến động không quá 2% là mục tiêu cần đạt, nhưng nếu do biến động trên thị trường thế giới tác động quá mạnh đến tỷ giá, đòi hỏi điều chỉnh nhiều hơn thì Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét, vì từ giờ đến cuối năm còn dài, trong khi thế giới có nhiều biến động… Điều này cho thấy, năm 2015 chúng ta sẽ phải có những phương án, kế hoạch để đối phó những tình huống khác nhau" - ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Nêu ý kiến Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thế giới để có thể đưa ra quyết định kịp thời vào những thời điểm quyết định, một số chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta nên xem độ mở bao nhiêu thì vừa. Bởi, nếu không nới room sẽ khó thu hút được tiền nước ngoài vào Việt Nam. Chính vì thế, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, kinh tế thời gian tới vẫn đòi hỏi sự thận trọng trong điều hành, đặc biệt khi Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.