Tài chính - ngân hàng

Minh bạch để tạo niềm tin

Việc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh công bố danh sách 104 dự án bất động sản đăng ký thế chấp tại ngân hàng đã làm dấy lên những lo ngại từ bài học chủ đầu tư chung cư The Hamona (quận Tân Bình) thế chấp ngân hàng bị phát giác mới đây. Nhưng theo các chuyên gia, đây là hoạt động kinh tế hết sức bình thường và cần phải được thực hiện đồng bộ, công bằng với tất cả các doanh nghiệp.

Tại Hà Nội, trong danh sách 34 dự án (thành phần dự án) đang được thế chấp tại các ngân hàng, có nhiều tên tuổi lớn và uy tín trong lĩnh vực bất động sản, như Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh thế chấp một phần tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai dự án tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Công ty TNHH Mai Trang (dự án số 16 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm) thế chấp quyền sử dụng đất. Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Việt (khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất. Công ty CP Hóa chất và Vật tư Khoa học kỹ thuật (dự án số 265 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Công ty CP tập đoàn Nam Cường Hà Nội (thửa số 04, 03, 02, 01 phường Yên Nghĩa, phường Dương Nội, Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất. Công ty TNHH Đầu tư Capitaland - Hoàng Thành (CT09 - Khu Cổ Ngựa, Khu đô thị mới Mỗ Lao, Hà Đông) thế chấp bằng quyền sử dụng đất… Ngay khi nghe thông tin nêu trên, rất nhiều người lo ngại sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi khi đã và đang ký hợp đồng mua nhà. Anh Nguyễn Văn Hiếu (quận Cầu Giấy) nghi ngại khi cho biết đang có ý định mua một căn hộ ở khu vực quận Hà Đông. "Ở khu vực này đang có nhiều dự án mở bán mà giá căn hộ phù hợp với khả năng tài chính của gia đình. Nhưng khi nghe được thông tin này vợ chồng tôi cũng phần nào nhụt chí. Sắp tới khi ký hợp đồng mua nhà chắc chắn phải làm rõ việc này với chủ đầu tư để tránh việc xảy ra như ở TP Hồ Chí Minh"- anh Hiếu giãi bày.

Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm cho rằng, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì vẫn tồn tại những chủ đầu tư không trung thực khi đem thế chấp dự án vào một ngân hàng để lấy tiền phát triển dự án. Đến khi có nguồn thu lại mở tài khoản tại một ngân hàng khác để chiếm dụng vốn, đầu tư nơi khác. Khi mất khả năng cân bằng vốn, ngân hàng siết nợ dự án thì người mua nhà chịu thiệt. Vì vậy, việc cơ quan chức năng công bố thông tin các doanh nghiệp thế chấp dự án cho ngân hàng là động thái đáng hoan nghênh. Qua đó, giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn, giảm thấp nhất rủi ro cho khách hàng.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, việc các chủ đầu tư thế chấp toàn bộ hay một phần dự án bất động sản là hoạt động hết sức bình thường. Nhưng để tránh rủi ro, ngân hàng phải lựa chọn khách hàng kỹ càng và giám sát rất chặt việc giải ngân các dự án. Thực tế, rất nhiều chủ đầu tư đã vay vốn ngân hàng để phát triển dự án. Có dự án phát triển tốt, nhưng không ít dự án "chết yểu" vì chủ đầu tư làm ăn gian dối, gây thiệt hại nặng cho người mua nhà, dẫn đến phải ra tòa, thụ án. Thế nên, thực hiện minh bạch thông tin qua việc công bố các dự án thế chấp tại ngân hàng là rất cần thiết và cũng không vi phạm quy định về bí mật kinh doanh.

Trao đổi ý kiến với báo chí về quyền lợi của người mua nhà có bị ảnh hưởng hay không, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, các dự án vay vốn ngân hàng là chuyện bình thường trong kinh doanh và đúng luật định. Các cơ quan chuyên môn vẫn kiểm soát được và hoàn toàn không ảnh hưởng quyền lợi người mua nhà. Trên thực tế, người mua nhà tại một số dự án nêu trên đã và đang được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và nhà ở. Mặt khác, đến thời điểm này, các chủ đầu tư của các dự án vẫn thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình khi vay vốn và khi bán hàng. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng khuyến cáo người mua nhà nên tìm hiểu kỹ các dự án, các nhà đầu tư thông qua các cơ quan chuyên môn trước khi quyết định mua.