Kiên quyết với doanh nghiệp trốn thuế

Tại Hội nghị giao ban tháng 11 của thành phố Hà Nội ngày 28-11, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng cuối năm được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu thực hiện là: Cục thuế, Kho bạc Nhà nước và Sở Tài chính đôn đốc nộp thuế, thu nợ đọng thuế, để không ảnh hưởng tổng thu ngân sách; bàn giao danh sách các doanh nghiệp trốn thuế cho Công an thành phố để kiểm tra, làm rõ.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, hoàn thành kế hoạch đề ra, đạt 8,5%. Trong đó, ước thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 207,628 nghìn tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán, tăng 15,7% so thực hiện năm 2016. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 75,205 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%; doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%; cấp đăng ký kinh doanh 25.160 doanh nghiệp, tăng 11%, vốn đăng ký 240 nghìn tỷ đồng (tăng 4%), lũy kế số doanh nghiệp trên địa bàn là 231,92 nghìn doanh nghiệp.

Đó là những con số đáng mừng, bởi dự toán thu ngân sách đầu năm được Chính phủ giao Hà Nội là 204.772 tỷ đồng, tăng 35.352 tỷ đồng so với dự toán năm 2016. Xác định nhiệm vụ thu ngân sách rất nặng nề, cho nên ngay từ đầu năm, các cấp lãnh đạo thành phố luôn quan tâm đặc biệt tới vấn đề này. Đây là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020; đồng thời, cũng là năm đầu thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, cho nên việc xây dựng, quyết định dự toán ngân sách nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh, để hoàn thành nhiệm vụ, ngành thuế Thủ đô phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vừa đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế, vừa kiên quyết, xử lý nghiêm những doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng, trốn thuế. Vấn đề cải cách hành chính, Cục Thuế Hà Nội đã đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào các bước, các khâu trong công tác quản lý thuế. Đến nay, trên địa bàn đã có 98% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng và hơn 95,36% số tiền thuế của doanh nghiệp nộp theo phương thức điện tử. Thủ tục đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, cấp mã số thuế tự động trong thời gian không quá 30 phút, giảm 87,5% thời gian thực hiện so với trước.

Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội cũng chủ động nghiên cứu, phối hợp các cơ quan liên quan trong xây dựng các kênh thông tin để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc từ doanh nghiệp; tham mưu, kiến nghị cơ chế chính sách thuế phù hợp thực tiễn giúp cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế tiếp tục duy trì, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, từ đó tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Với hành vi chây ỳ nộp thuế, trốn thuế, ngành thuế thực hiện song song hai bước, vừa áp dụng biện pháp công khai danh tính, cưỡng chế kiên quyết, vừa tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn và đôn đốc nộp thuế; tích cực phối hợp cơ quan công an phòng, chống các hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực thuế. Chi cục Thuế Hà Đông đã đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra 332 vụ việc có dấu hiệu vi phạm về thuế, sau khi cung cấp đầy đủ, kịp thời các hồ sơ, tài liệu. Đại diện Chi cục Thuế Hà Đông cho biết, các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tinh vi, thủ đoạn khó lường. Chỉ trong 10 tháng năm 2017, Chi cục đã thông báo 437 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, trong đó 189 doanh nghiệp mang theo 50.007 số hóa đơn thông báo không có giá trị sử dụng.

Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết, để tăng cường công tác chống thất thu ngân sách, ngành thuế tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phân tích rủi ro và hỗ trợ quá trình thanh tra, kiểm tra, giúp giảm thời gian, nâng cao hiệu quả, chất lượng thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp; tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ cơ quan công an trong công tác chống thất thu; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế.