Kiên quyết không để nợ thuế

Cục Thuế Hà Nội vừa công bố danh sách 73 doanh nghiệp nợ thuế, với tổng số tiền gần 2.400 tỷ đồng. Trong danh sách các doanh nghiệp bị nêu tên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xuất, nhập khẩu, đến sản xuất thương mại, thép… nhưng phần lớn là các doanh nghiệp bất động sản, giao thông, xây dựng. Đây được coi là sự vào cuộc quyết liệt nhất từ trước đến nay trong việc bảo đảm nguồn thu mà ngành thuế thực hiện.

Ngay trong buổi họp chiều 6-7 của kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố Hà Nội, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội thừa nhận tổng thu ngân sách sáu tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ hơn 13%, song, nợ thuế vẫn là một vấn đề khó khăn. Từ năm 2008 đến nay, số nợ thuế lĩnh vực bất động sản tăng rất lớn. Năm 2009, nợ thuế hơn 4.000 tỷ, năm 2013 là 13.000 tỷ và đến 31-12-2014, số nợ thuế gần 22.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết, mặc dù đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp đôn đốc nợ và cưỡng chế nợ thuế, nhưng trên địa bàn vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ thuế lớn, một số dự án nợ tiền sử dụng đất. Vì thế, sau các đợt rà soát, Cục Thuế Hà Nội vừa công khai danh sách 73 doanh nghiệp nợ thuế lớn đến ngày 31-5-2015. Trong số doanh nghiệp bị nêu tên xuất hiện những tên tuổi như: Công ty Sông Đà Thăng Long (số nợ 375,2 tỷ đồng). Công ty Viglacera Hà Nội (88 tỷ đồng), Công ty Cavico Xây dựng Cầu hầm (80,5 tỷ đồng), Công ty Tập đoàn Điện tử

Công nghiệp Việt Nam (65,4 tỷ đồng); COMA 18 (36,4 tỷ đồng); Đường bộ 230 - Cienco 1 (12,55 tỷ đồng)… Đặc biệt, có 15 dự án bất động sản trên địa bàn cũng bị “nêu tên” vì nợ tiền sử dụng đất, mặc dù đã được thụ hưởng chính sách gia hạn tiền sử dụng đất theo các chính sách ưu đãi của Chính phủ, nhưng đến hạn lại không nộp khoản tiền này vào ngân sách. Trong đó có một số dự án đã được mở bán như Khu chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông 62 Nguyễn Huy Tưởng của Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn (nợ hơn 76 tỷ đồng), Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An - 21 Lê Văn Lương của Tổng công ty Thành An (nợ 143 tỷ đồng), Tòa nhà hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng (hay còn gọi là Sapphire Palace) của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hà Nội Sông Hồng (nợ 10,5 tỷ đồng)...

Trước vấn đề này, đại diện một số doanh nghiệp cho biết, việc làm này có thể không sai luật nhưng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, làm giảm giá trị thương hiệu, chỉ gây thêm nhiều bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có chuyên gia không tán thành cách làm này, vì cho rằng, giá trị thương hiệu là tài sản vô hình mà doanh nghiệp phải dày công mới xây dựng được. Việc công khai danh tính nợ thuế sẽ làm doanh nghiệp mất mát rất lớn thứ tài sản vô hình đó và biện pháp này vô tình dồn doanh nghiệp vào thế khó. Tuy nhiên, các nhà quản lý cho rằng, đây là biện pháp quyết liệt sau khi Cục Thuế đã áp dụng nhiều biện pháp: phạt hành chính, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, thông báo đến UBND địa phương nơi người đại diện theo pháp luật, thành viên HĐQT của các doanh nghiệp cư trú… nhưng các doanh nghiệp vẫn chây ỳ trong việc giải quyết nợ đọng. Và, để xử lý số nợ thuế tồn đọng kéo dài, ngay trong những tháng cuối năm, ngành thuế Hà Nội tiếp tục áp dụng những biện pháp cứng rắn nhằm thu hồi tiền thuế nhưng vẫn bảo đảm thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình, đúng luật định. Thậm chí, trường hợp chủ đầu tư các dự án thực hiện bán nhà đã thu tiền nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra xác định hành vi vi phạm và phối hợp cơ quan Công an TP Hà Nội thực hiện điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Cục Thuế Hà Nội đã báo cáo Bộ, Tổng cục Thuế để tiếp tục kiến nghị, tạo chế tài xử phạt, tăng tính răn đe. Đồng thời sẽ công khai mọi tổ chức, cá nhân nợ lớn, dây dưa kéo dài, nhất là những trường hợp đã gia hạn nhưng vẫn không nộp đúng hạn mà cố tình chây ỳ. Theo quy định, trong trường hợp doanh nghiệp nợ thuế, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế như phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu tiền, tài sản của doanh nghiệp của bên thứ ba, thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, thu hồi mã số thuế. Rõ ràng, cần phải có chế tài xử lý mạnh, không nhân nhượng với những doanh nghiệp cố tình nợ thuế, nếu không, tình trạng nợ thuế vẫn tiếp tục tăng.