Cần sự quản lý chặt hơn tại chung cư

Tại Hà Nội hiện có hơn 1.300 chung cư xây dựng mới. Quá trình vận hành, khai thác đã bộc lộ, nảy sinh rất nhiều bất cập, vướng mắc, gây ra những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, đơn vị quản lý và cư dân. Câu chuyện cư dân và chủ đầu tư hay đơn vị quản lý không tìm được tiếng nói chung trong quá trình vận hành tòa nhà diễn ra nhiều năm qua. Gần đây nhất, tại chung cư Imperia Garden (Thanh Xuân), nhiều người dân đã phản đối việc chủ đầu tư là Công ty cổ phần HBI dừng cung cấp nước sinh hoạt, và cho rằng phí dịch vụ tại tòa nhà quá cao trong khi chất lượng, tiện ích của chung cư chưa bảo đảm theo những cam kết ban đầu.

Chính quyền quận Thanh Xuân vào cuộc, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật như cung cấp đầy đủ dịch vụ cho cư dân, tránh gây bức xúc, mất an ninh trật tự tại khu vực. Theo đại diện chủ đầu tư, ngày 27-2 vừa qua, chủ đầu tư đã có buổi đối thoại với cư dân, cơ bản giải quyết xong các mâu thuẫn.

Hiện có ba loại hình quản lý chung cư: Các chủ đầu tư tự quản lý; chủ đầu tư thuê hoặc thành lập một doanh nghiệp quản lý; ban đại diện các hộ dân tự quản lý hoặc thuê doanh nghiệp quản lý. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, tại nhiều tòa nhà đã xảy ra mâu thuẫn. Mặc dù, pháp luật quy định, các tòa nhà phải thành lập ban quản trị (gồm đại diện cư dân và chủ đầu tư), nhưng việc này không dễ dàng, bởi những lợi ích từ khai thác tòa nhà. Vì thế, tại nhiều tòa nhà chung cư, ban quản lý là một đơn vị của chủ đầu tư, đảm nhận luôn trách nhiệm của ban quản trị.

Nhiều chuyên gia quản lý đô thị cho rằng, để xảy ra tình trạng tranh chấp dai dẳng tại các tòa nhà chung cư có phần trách nhiệm quan trọng của chủ đầu tư như chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư, tranh chấp phần sở hữu chung, tranh chấp về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư do các hộ dân nộp, chất lượng xây dựng không bảo đảm... Ðại diện Tổng hội Xây dựng Việt Nam chia sẻ, tình trạng lộn xộn, bất cập tại các chung cư xảy ra là do một thời gian dài buông lỏng công tác quản lý. Do đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải giám sát chặt chẽ và yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng pháp luật khi thành lập ban quản trị tòa nhà. Các mức phí dịch vụ cũng phải được công khai, minh bạch để cư dân được biết.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2017/NÐ-CP ngày 27-11-2017, có hiệu lực từ ngày 15-1-2018. Nghị định quy định rõ, cụ thể nhiều mức phạt của từng vi phạm, như phạt 100 đến 150 triệu đồng đối với chủ đầu tư khi không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định; không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định.

Để quản lý, vận hành tốt các chung cư, dự kiến trong tháng 3 này, HÐND thành phố Hà Nội sẽ có đợt giám sát về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng chung cư thương mại và chung cư tái định cư trên địa bàn Hà Nội. Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra vi phạm, quản lý sử dụng chung cư. Ðoàn kiểm tra sẽ kiểm tra nhiều nội dung tại các khu chung cư như quản lý vận hành, trách nhiệm của ban quản trị nhà chung cư trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư; bàn giao và tiếp nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung, phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp...