Tài hoa khảm tam khí

Hà Nội là đất trăm nghề tinh hoa tụ về. Nhiều nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Với nghề khảm tam khí, nghệ nhân dùng các kim loại quý như vàng, bạc vẽ các hình hoa văn, phong cảnh... lên những sản phẩm bằng đồng.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng giới thiệu một số sản phẩm của gia đình.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng giới thiệu một số sản phẩm của gia đình.

Người nắm giữ bí quyết nghề khảm tam khí là nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng. Ông vinh dự là một trong mười người được đề cử danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2014.

Cụm từ khảm tam khí vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Bởi đồ khảm tam khí chủ yếu là đồ thờ cúng, tranh kim loại, hoặc đồ lưu niệm có giá trị kinh tế cao. Tam khí tức được làm bằng ba thứ kim loại: Vàng, bạc và đồng. Thủơ xưa, chỉ có vua chúa, quan lại và những nhà gia thế mới có thể sở hữu những món đồ tam khí. Đó là những chiếc lư hương, đỉnh trầm, chân đèn, cây nến, đôi hạc, câu đối, tranh... bằng đồng khảm vàng, bạc. Khảm tam khí quý không chỉ bởi giá trị của bạc, vàng, mà còn bởi sự công phu, tài hoa của người thợ khi chế tác.

Ở Hà Nội hiện nay, duy nhất gia đình nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng nắm giữ bí quyết khảm tam khí. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng vốn gốc gác ở làng gò đồng Đại Bái -Bắc Ninh. Dòng họ Nguyễn Ngọc của ông từng làm ra những sản phẩm phục vụ cung đình triều Nguyễn. Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất lý tưởng cho những nghề thủ công phát triển. Bởi thế, ông cùng gia đình từ lâu đến Hà Nội lập nghiệp.

Khi đôi tay vừa thạo cầm đũa ăn cơm, cũng là khi cậu bé Trọng được trao cây búa, chiếc đục và những dụng cụ làm nghề. Hơn mười tuổi, cậu đã bắt đầu đi làm thuê cho các hiệu vàng bạc danh tiếng của Hà Nội. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng giỏi cả chạm đồng, chạm bạc, nhưng "tuyệt chiêu" độc đáo nhất vẫn là khảm tam khí. Nay khi tròn 76 tuổi đời, nghệ nhân có đến hơn 60 năm tuổi nghề.

Với một sản phẩm đúc đồng, gò đồng thông thường, sau khi được đúc, gò, sẽ qua khâu hoàn thiện, đánh bóng, làm mầu là có thể sử dụng. Nhưng với đồ khảm tam khí, sau khi hoàn thành những công đoạn ấy, một công đoạn mới được bắt đầu. Những đồ đồng trở thành "nền" cho bức "vẽ".

Những người thợ dùng bút vẽ họa tiết hoa văn lên những sản phẩm lư hương, chân đèn, tượng Phật... Họ dùng những cây đục sắc, đục sâu vào thân những đồ đồng, theo hình vẽ sẵn. Công đoạn này đòi hỏi bàn tay cực kỳ khéo léo, người thợ phải khoét hẳn vào thân sản phẩm, lấy những "phoi" đồng ra. Một nhát đục "phạm" sẽ để lại dấu vết, thậm chí, làm hỏng cả sản phẩm. Những sản phẩm càng nhỏ, càng đòi hỏi sự tinh vi. Vàng, bạc được dát thành sợi, thành miếng nhỏ sao cho phù hợp. Những chỗ đồng vừa được khoét ra sẽ tạo chỗ trống để cẩn vàng, bạc lên đồng.

Cùng với những nhát búa, vàng, bạc sẽ "ăn" vào nền đồ đồng. Sau khi mài, dũa, đánh bóng, những "bức tranh" hiện lên. Vàng bạc ánh mầu đặc trưng trên nền đồng (thường là mầu mắt cua) trông hết sức sang trọng. Đó là lý do những món đồ khảm tam khí luôn được coi như đồ gia bảo. Là người giỏi nghề, nhưng nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, có những sản phẩm cầu kỳ, phải mất hàng tháng mới có thể hoàn thành. Cái tài của người thợ thể hiện ở đường nét khớp nối giữa chất liệu đồng với vàng, bạc. Tuy được ghép từ những kim loại khác nhau, phải giấu được vết nối này mới là thợ khéo. Ngoài khảm tam khí, nghệ nhân còn khảm "ngũ khí", với một số kim loại khác tạo sự phong phú. Ông cũng nhận khảm đồng đỏ thay vì vàng, phối với bạc, tạo ra những sản phẩm giá thành thấp hơn, để nhiều người có thể tiếp cận với tinh hoa của nghề khảm tam khí.

Ở lĩnh vực nào của nghề nghiệp, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng cũng vươn tới đỉnh cao. Với mảng chạm bạc, không chỉ phát huy lối đục, chạm truyền thống, ông còn phối hợp chất liệu bạc với các chất liệu sừng, sơn mài... tạo ra những sản phẩm độc nhất vô nhị như: Bộ tách cà-phê chạm bạc quai sơn mài, ấm trà gò búa quai sừng..., Với những bức tranh chạm đồng, chạm bạc, cũng là những đường chạm, những nét hoa văn, hay những nhân vật quen thuộc trong các tích truyện..., nhưng các đường nét qua bàn tay ông đều có chiều sâu. Khách hàng sành chơi rất hâm mộ sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng vì cái tài của ông thể hiện ở những chi tiết nhỏ nhất trên những bức tranh đều rất sinh động, có hồn. Nhiều khách hàng quốc tế thường tìm đến tận xưởng sản xuất của ông trong ngõ Tiến Bộ (phố Khâm Thiên, quận Đống Đa) để được tận mắt chứng kiến quá trình làm ra sản phẩm trước khi mua về. Những sản phẩm khảm tam khí và chạm bạc, chạm đồng của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng là một trong những sản phẩm được dùng làm quà tặng cho các vị khách quốc tế.

Những sản phẩm này thường là hình mặt trống đồng, những bức tranh về phong cảnh, di sản nổi tiếng Việt Nam như: Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Ô Quan Chưởng... Đối với đồ trang sức dành cho phụ nữ, thương hiệu "Mỹ nghệ Vân Anh" của gia đình ông không chỉ có chỗ đứng tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Cả cuộc đời, chưa bao giờ nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng rời xa cây đục, cây búa. Trong suy nghĩ của ông, gìn giữ nghề truyền thống không có nghĩa là chỉ giữ những cái cũ mà cần liên tục học hỏi, đổi mới. Năm 1960, khi được tuyển vào Công ty Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ (Artexport) để làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa. Ông coi đây là dịp quý báu để mở rộng tầm nhìn, để hiểu thêm về các nền văn hóa, và cũng để khẳng định bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình. Có lẽ, chính suy nghĩ ấy góp phần tạo nên cái "tầm" trong sản phẩm của ông. Năm 1986, ông là một trong những người được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trao tặng danh hiệu nghệ nhân đợt đầu tiên. Từ đó đến nay, khó tính hết những lần đôi bàn tay tài hoa của ông được tôn vinh. Đề cử danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2014 như là một điểm nhấn, khẳng định những đóng góp không mệt mỏi của ông cho việc làm giàu thêm bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Cùng với những danh hiệu, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng tự hào rằng, con cháu trong gia đình ông hiện đang nối nghiệp, đã bước đầu có những thành công.

Tinh hoa của nghề truyền thống trong gia đình, sẽ còn được tiếp nối.