Nhịp sống từ những trang báo giấy

Một sớm thu Hà Nội, thức dậy khi những con phố còn sáng ánh đèn, dạo vòng hồ để tận hưởng tiết trời đang đi qua rất vội, thấy nhịp sống chậm hơn trong tĩnh lặng phố phường. Nhâm nhi tách trà nóng ngắm đường vắng từ góc phố nhỏ, tôi thấy một cụ già thong thả đi qua, tay cầm tờ báo mới, chợt có chút bâng khuâng. Một điều gì như thiếu vắng...

Bạn đọc xem ấn phẩm báo giấy. Ảnh: THÚY MAI
Bạn đọc xem ấn phẩm báo giấy. Ảnh: THÚY MAI

Nhớ một thời có thể gọi là “hoàng kim” của những tờ báo in. Trên các góc phố, vỉa hè, nơi quán cà-phê đều dễ dàng bắt gặp những vị khách vừa nhâm nhi thức uống yêu thích, vừa chăm chú lật giở từng trang báo mới. Đọc báo buổi sáng như một thói quen, một nét văn hóa của người Hà Nội. Dù họ là ai, cán bộ, công chức, nhân viên văn phòng đều tranh thủ đầu giờ đọc báo và trao đổi tin tức. Các cán bộ hưu trí sau giờ thể dục sáng cũng ghé lại bên hồ, hay ghế đá công viên dành thời gian đọc tin trên những trang báo giấy. Những người lao động thủ công, người lái xe chở khách hay các bà, các chị “chạy chợ” đều tranh thủ khi không có khách, đọc ngấu nghiến những chuyện “giật gân” rồi bàn tán rôm rả... Đọc báo như liệu pháp tinh thần, nạp thêm năng lượng tích cực để bắt đầu ngày mới. Cũng nhờ thói quen này mà tạo việc làm để người nghèo mưu sinh. Ngày ấy, hình ảnh quen thuộc là những người lao động nghèo, những đứa trẻ tổ bán báo xa mẹ tay ôm sập báo, tay vung vẩy tờ báo, miệng lảnh lót: Báo đê, ai mua báo mới đê... Những tiếng rao như thứ âm thanh rất đặc trưng gõ vào không gian phố, báo hiệu ngày làm việc mới bắt đầu. Vào những mùa bóng đá World Cup hay EURO, giải Ngoại hạng Anh... thị trường báo in thêm phần sôi động. Số lượng phát hành, số ấn phẩm đặc biệt phục vụ mùa bóng tăng đột biến, nhiều khi “cháy sạp”, khách mua muộn là không có báo đọc.

Thời đại công nghệ số mở ra, những sinh hoạt truyền thống cũng dần phai nhạt, trong đó có thói quen mua và đọc báo giấy. Chỉ với một thiết bị nhỏ gọn như điện thoại thông minh, máy tính bảng, với điều kiện viễn thông phát triển như hiện nay, thì ở bất kỳ đâu, người đọc cũng có thể thu thập được tin tức cả thế giới quanh mình. Cuộc sống qua những hành động gạt, lướt, chạm ấy như hối hả, gấp gáp hơn. Và cũng chính điều kiện ấy vô tình làm mỏng đi nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Trong không ít gia đình, công nghệ số đã thay đổi nếp sinh hoạt, ít đi tiếng cười con trẻ, còn người già như cô đơn hơn...

Với người ưa sống chậm, thói quen đọc báo in vẫn còn được duy trì. Hàng xóm nhà tôi là một cán bộ về hưu đã nhiều năm, nhưng chưa bao giờ ông bỏ thói quen mua báo đầu ngày. Một đồng nghiệp từng chia sẻ cảm giác bồi hồi khi thấy hình ảnh những cán bộ hưu trí, những người lao động “đọc báo đứng” qua những khung kính treo trước cổng các tòa soạn báo. Họ chăm chú đọc như không bị sự chi phối nào từ rộn ràng sau lưng họ. Cái thú đọc báo đứng ấy như kéo chậm nhịp sống phố phường. Tinh mơ sớm, dạo một vòng từ phố Hai Bà Trưng, lên Tràng Tiền rồi sang Bưu điện thành phố vẫn thấy cảnh chia báo in buổi sáng. Những chồng báo “nóng hổi” được chất lên xe máy, chở tới một số điểm phân phối để kịp đến tay người đọc.

Nghĩ về “ngày xưa” mà có chút man mác, nhưng quy luật phát triển là thế, sự biến đổi không ngừng buộc con người phải theo vòng quay của cuộc sống. Trong vòng quay ngày càng hối hả ấy, những giá trị ngoài vật chất lại càng cần được trân trọng và nâng niu.