Người lưu giữ "ký ức" Hà Nội bằng ảnh

Với gần 3.000 tấm ảnh Hà Nội, chụp từ năm 1831 đến trước năm 1954, có lẽ kiến trúc sư Đoàn Bắc (trong ảnh) sở hữu "kho" ảnh cổ về Hà Nội lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trong đó, có những tấm hình rất quý, về cuộc sống người Hà Nội xưa, về những di tích, danh lam, hay cả quá trình thi công cầu Long Biên... Kiến trúc sư Đoàn Bắc đã dành nhiều năm tìm tòi trên mạng in-tơ-nét, trong thư viện, tìm đến các gia đình Hà Nội gốc để xin ảnh. Ngắm bộ sưu tập của anh, người ta được sống lại những ký ức về Hà Nội và khâm phục tình yêu của anh với Thủ đô.

Người lưu giữ "ký ức" Hà Nội bằng ảnh

Xem những tấm ảnh cổ do Đoàn Bắc sưu tầm, mỗi người lại có những cảm xúc khác nhau. Đây những phố phường Hà Nội xưa, những hình ảnh làm nón, bán vải điều... từ lâu đã không còn nữa; đây hình ảnh chiếc xe điện những ngày đầu xuất hiện ở Hà Nội mà nhìn thấy bóng dáng nó đã vẳng nghe tiếng leng keng; đây là gánh phở rong, hình ảnh quen thuộc một thời của hàng quán Hà Nội. Đây là những công trình như Tháp Rùa, điện Kính Thiên, Nhà hát Lớn, ga Hà Nội, cầu Long Biên... Những người Hà Nội cao niên bùi ngùi như gặp lại cố nhân. Giới trẻ tìm thấy niềm vui khi khám phá hình ảnh xưa cũ của con phố mình sinh sống. Năm 2010, khi đứng ra tổ chức Triển lãm "Ký ức Hà Nội xưa", kho tư liệu của Đoàn Bắc có gần 2.000 tấm ảnh cổ về Hà Nội từ năm 1831 đến trước năm 1954. Đến nay, con số ấy đã tăng thêm gần 1.000 chiếc. Một khối lượng tư liệu ảnh cổ khổng lồ, không dễ gì có được.

Mỗi khi nói về câu chuyện ảnh cổ Hà Nội, Đoàn Bắc thường bảo, có lẽ một phần do may mắn. Anh sinh ra tại khu phố Lò Đúc trong một gia đình có truyền thống nghề ảnh. Sinh năm 1975, lớn lên đúng thời bao cấp rồi đất nước chuyển đổi. Với nhiều gia đình, chụp một tấm ảnh kỷ niệm đã là chuyện cả năm mới có một lần. Còn Đoàn Bắc, từ nhỏ đã được làm quen với chiếc máy ảnh - thứ quý hơn vàng của thời ấy. Tất nhiên, anh biết chụp ảnh từ rất sớm. Nhưng lớn lên, Đoàn Bắc lại học Đại học Kiến trúc. Tưởng rằng anh sẽ đi ngược lại truyền thống gia đình. Nhưng cuộc đời lắm quanh co lại đưa anh về với... nhiếp ảnh. Vốn giữ thói quen cầm máy chụp các góc phố Hà Nội, một ngày Đoàn Bắc tự hỏi: Những con phố Hà Nội của thế kỷ 21 là như vậy, những tháng năm trước thì nó ra sao, rộng hơn nữa là cuộc sống người Hà Nội trước đây thế nào? Đoàn Bắc đi tìm trên mạng, trong thư viện... Anh không có ý định cao xa, xây dựng một bộ sưu tập mà chỉ thỏa mãn tò mò, cộng với việc giúp cha anh có thêm thú vui tuổi già. Càng tìm, càng nhiều vấn đề nảy sinh. Có những bức ảnh Đoàn Bắc rất thích, nhưng trong các tư liệu chất lượng ảnh đều rất thấp. Vốn quen nghề ảnh, anh xem phần giới thiệu nguồn của bức ảnh đó từ đâu. Sau đó, anh tiếp tục "truy" sao cho đến sát gốc nhất để có được những bức ảnh chất lượng cao. Đoàn Bắc mày mò, lắm lúc bế tắc. Được người cha - nhà giáo Đoàn Thịnh khuyên tìm tư liệu ảnh cổ tại các kho tư liệu bằng tiếng Pháp, anh chuyển hướng. Một kho tư liệu mở ra. Và Đoàn Bắc bắt đầu thật sự say mê... Trong những năm tháng chiếm đóng Hà Nội, người Pháp, không chỉ những chuyên gia khoa học xã hội, từ những quan chức, quân nhân cho đến những trí thức... đều chụp rất nhiều ảnh về Hà Nội. Quá trình khám phá khiến anh nhận ra, một điều rất đặc biệt là con cháu những người Pháp thời ấy vẫn lưu giữ những tấm ảnh về Hà Nội, về Việt Nam mà cha ông họ để lại. Rất may mắn, Đoàn Bắc gặp được một trường hợp như thế. Đó là vợ chồng ông Pi-e và Clau-đơ Sa-đu - cháu nội của Lu-i Sa-đu - một bác sĩ quân y người Pháp, từng sang Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Khi đến Hà Nội, bác sĩ Lu-i Sa-đu đã chụp khá nhiều ảnh. Biết được ý tưởng của Đoàn Bắc, ông bà Pi-e và Clau-đơ Sa-đu đã trao tặng anh nhiều ảnh quý về Hà Nội, trong đó có những bức ảnh đặc biệt về Thành cổ Hà Nội. Đây là một nhóm tư liệu trong rất nhiều tư liệu về Hà Nội mà Đoàn Bắc đã "khai phá" rồi đưa đến công chúng. Gia đình Đoàn Bắc có nhiều thế hệ sinh sống ở Hà Nội, cho nên anh có một lợi thế không nhỏ là quen biết nhiều gia đình Hà Nội gốc. "Thời xưa rất hiếm ảnh. Nhưng người Hà Nội vẫn hay chụp ảnh vào những dịp quan trọng. Vì thế, những gia đình Hà Nội gốc là một nguồn tư liệu ảnh quý", Đoàn Bắc cho biết. Anh đi "gõ cửa" nhiều nhà. Và trước ý định của anh, khó ai có thể chối từ. Thậm chí, có gia đình còn gỡ cả ảnh thờ của các cụ để cho anh mượn chụp lại.

Khi bộ sưu tập đã dày, anh tiến hành phân loại. Đây cũng là một kỳ công. Năm 2010, khi thực hiện Triển lãm "Ký ức Hà Nội xưa", gần 2.000 bức ảnh do anh sưu tập được chia thành năm phần khác nhau: Toàn cảnh thành phố; Đất Thăng Long - Kẻ Chợ; Hà Nội thời Pháp thuộc; Con người và cuộc sống; Những giai đoạn lịch sử, với 24 chủ đề như: Hoàng thành thời Nguyễn, Đất lề Kẻ Chợ, Khu phố Tây, Phương tiện giao thông vận tải; Phong cách người Hà Nội, Thú ăn chơi ở Hà Nội... Hai cha con anh cũng tốn không biết bao nhiêu công sức miệt mài, đọc, tìm hiểu thêm về Thăng Long - Hà Nội, về thời kỳ Hà Nội dưới sự cai quản của người Pháp để tìm ra cách phân loại phù hợp. Để có thể tổ chức triển lãm cũng là một kỳ công khác. Đoàn Bắc phải chuyển ảnh vào TP Hồ Chí Minh, vì tại đây mới đủ điều kiện để thực hiện các công đoạn hậu kỳ cho những bức ảnh. Sau đó mới chuyển số ảnh này ra Hà Nội. Đó là một kỷ niệm khó quên, khi ngày ra mắt triển lãm đã được ấn định, nhưng suýt nữa toàn bộ số ảnh... không chuyển kịp.

Thời gian gần đây, Đoàn Bắc dành khá nhiều thời gian để làm những chương trình nhiếp ảnh về Trường Sa. Anh cũng làm theo một cách rất đặc biệt, chưa ai từng làm, đó là chụp ảnh gia đình của những chiến sĩ trên đảo rồi đem đến Trường Sa. Mặc dù vậy, anh luôn dành một "góc" đặc biệt dành cho ảnh Hà Nội. Đoàn Bắc không giữ lại cho mình. Anh sẵn sàng chia sẻ kho ảnh với mọi người, cũng là chia sẻ tình yêu với mảnh đất này.