Người góp nhặt, sẻ chia tri thức từ hàng nghìn sách cũ

Người mới gặp sẽ thấy khá... sốt ruột với phong thái của Lê Văn Hợp. Chậm rãi, từ tốn, tỉ mỉ, không giống hình dung về một thanh niên thế hệ 8X từng tốt nghiệp trường đại học Bách khoa Hà Nội. Cũng vì sự "không giống" ấy mà hợp có bước rẽ ngang định mệnh, bỏ lại tấm bằng kỹ sư, để đi theo con đường khác: Sưu tập sách cũ - một hành trình mà hợp gọi là "góp nhặt, sẻ chia tri thức". Hợp là chủ sở hữu một trung tâm sách cũ thuộc hàng lớn nhất Hà Nội hiện nay.

Niềm vui của anh Lê Văn Hợp khi được tiếp nhà nghiên cứu Bùi Thiết tại kho sách của mình.
Niềm vui của anh Lê Văn Hợp khi được tiếp nhà nghiên cứu Bùi Thiết tại kho sách của mình.

Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng bảo rằng: "Chơi sách là thú chơi phong lưu nhất trong mọi thú chơi". Chơi sách kén người. Nếu từng gặp những người chơi sách cũ, không khó để nhận ra họ đều có nét đặc biệt. Uyên thâm, hoài cổ, bí ẩn và... tham lam. Năm 16 tuổi, vô tình Lê Văn Hợp đã bước chân vào "địa hạt" ấy. Lúc ấy đơn thuần chỉ vì thích đọc, thích được giữ lại những cuốn sách mình yêu thích càng nhiều, càng tốt. Đam mê cứ lớn dần. Và giờ, số đầu sách Hợp có trong tay đã lên tới khoảng 15.000. Trong đó, có nhiều sách cổ, sách quý. Một con số đáng để "giật mình", nếu biết rằng năm nay anh mới 31 tuổi. Lê Văn Hợp thuộc hàng trẻ nhất trong những người chơi sách có tiếng cả trong nam, ngoài bắc. Khi tiếp xúc, không ai nghĩ Hợp từng là dân kỹ thuật, theo học năm năm ở Đại học Bách khoa. Chậm rãi, từ tốn, tỉ mỉ - phong cách của một anh giáo làng, một thủ thư cần mẫn. Tôi hình dung Hợp đã "chật vật" thế nào khi còn làm bên lĩnh vực điện dân dụng. Tôi hỏi anh sao hồi trẻ không thi vào nhóm ngành khoa học xã hội. Hợp tủm tỉm: "Vì truyền thống gia đình vốn theo ngành kỹ thuật". Cũng phải mất khá nhiều thời gian, Hợp mới chấm dứt công việc bên ngành kỹ thuật, về với sách. Khi ấy, anh thở phào: "Đã tìm được đúng nghề".

Trên con ngõ ở phố Lê Thanh Nghị, cửa hàng "Sách cũ Hà thành" của Lê Văn Hợp chỉ treo một tấm biển nho nhỏ, khiêm tốn như chính ông chủ của nó. Phải leo lên tầng bốn mới vào "kho" sách. Khi tôi đến, Hợp đang giục một khách hàng quen đi ăn cơm. Hóa ra khách hàng của Lê Văn Hợp có khi lọ mọ trong kho suốt từ sáng đến tối. Nhiều bạn là sinh viên, cần đọc rất kỹ trước khi quyết định mua, vì túi tiền hạn hẹp. Những giá sách cao đến gần trần nhà của Lê Văn Hợp có nhiều loại. Nhưng nhiều nhất vẫn là các loại sách văn học và sách nghiên cứu về khoa học xã hội. Giá sách ở đây cũng rất đa dạng, có những cuốn chỉ khoảng 10.000 đồng, nhưng "hàng hiếm" có giá vài trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng. Những ngăn tủ được xếp ngay ngắn chính là sách Hợp sưu tầm, không bán, hoặc chỉ bán trong những trường hợp đặc biệt. Cuốn sách cổ nhất mà Hợp có là "Lịch sử An Nam" bằng tiếng Pháp, in năm 1906. Những cuốn sách in trước năm 1945 thì chính anh cũng không thể nhớ hết. "Vẫn còn một kho sách nữa nhưng em chưa cho ai vào thăm", Hợp "công bố" thêm. Từ sở thích ban đầu, niềm đam mê với sách cũ lớn lên khi Hợp nhận ra nhiều điều từ sách. Những cuốn sách không đơn thuần chỉ là phương tiện lưu giữ, truyền tải kiến thức. Chỉ giấy in, mực in và cách đóng sách thôi đã nói lên nhiều điều. Đó là sự thăng trầm của kinh tế - xã hội qua các thời kỳ. Điều khá ngạc nhiên là thời trước, các dịch giả, tác giả trau chuốt câu chữ, dàn trang cẩn thận hơn. Hợp cho biết đây là lý do rất nhiều độc giả khó tính muốn đọc những bản dịch hay của các tác phẩm kinh điển đã tìm đến sách cũ. Một tờ quảng cáo đi kèm một ấn bản trước năm 1945 cũng cho người chơi sách nhiều thông tin hơn điều ta nghĩ. Đôi khi, trong những cuốn sách "trôi nổi", lại có cả chữ ký "tươi" của những nhà văn, dịch giả lớn, không hiểu lý do gì nó lại lưu lạc đến những hiệu sách cũ. Có được những cuốn sách như thế là điều cực kỳ đáng quý... Trong rất nhiều những cuốn sách sưu tập được, Lê Văn Hợp dành một chỗ trang trọng cho các cuốn sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê. Sưu tập sách của cụ là một đam mê của Hợp. Hợp đã sưu tầm được khoảng 90 đầu sách của cụ Nguyễn Hiến Lê. Anh mê sách của cụ Nguyễn Hiến Lê bởi những kiến thức uyên thâm thường được cụ viết bằng ngôn từ dân dã, dễ hiểu.

Hợp cứ miên man với dư vị của sách cũ như thế. Khi còn bé, Hợp dành dụm tiền ăn sáng để mua sách. Lớn lên, thấy Hợp khuân nhiều sách vở về quá, mà toàn sách cũ bố mẹ cũng phản đối. Nhất là khi thấy Hợp bỏ cả tiền triệu mua những cuốn sách vàng ố, bụi bặm, phải tốn công bọc lại. Phải mất khá nhiều thời gian, Hợp mới thuyết phục được gia đình. Và khi bỏ việc mà mình mất công theo học mấy năm trời để chuyển sang chuyên tâm vừa sưu tầm, vừa kinh doanh sách cũ, Hợp cũng mất rất nhiều thời gian trăn trở. Chủ yếu sưu tập sách văn học, sách khoa học xã hội nên kho sách của anh khá kén khách. Song cũng may mắn, Hợp không đơn độc. Ngày càng nhiều người mê sách. Mỗi người một lý do. Nhưng đã đam mê là thích được tìm tòi, sẻ chia. Và thực tế chứng minh Hợp không mạo hiểm. Hợp có hàng trăm khách hàng quen. Nhiều khách hàng ở tỉnh xa đặt hàng qua mạng, hoặc mỗi lần về Hà Nội là chở cả chục ki-lô-gam sách về. Ông chủ "Sách cũ Hà thành" bận túi bụi tối ngày, vừa thu gom phục vụ kinh doanh, vừa "đãi cát tìm vàng" để có được những cuốn sách quý. "Có một cuốn sách mà em rất mê, đó là cuốn "Vượt Côn Đảo" của nhà văn Phùng Quán. Khi mua về giở ra, ngay trang lót lại bất ngờ vì nó là cuốn sách có chữ ký của tác giả tặng người bạn thân. Nhưng khi Trung tâm văn hóa Đông Tây tổ chức phiên chợ sách, em đã đem cuốn sách này đấu giá để lấy tiền làm từ thiện, vừa chia sẻ đam mê sách, vừa có tiền giúp đỡ người thiệt thòi", Lê Văn Hợp tâm sự.

Lại có thêm những vị khách ngồi rất lâu trong kho sách của Lê Văn Hợp. Họ đều rất trẻ tuổi. Hợp lại tủm tỉm cười: "Người ta cứ nói về văn hóa đọc đi xuống, nhưng em đâu có thấy thế. Sách cũ Hà thành có nhiều khách hàng thân thiết là các bạn trẻ. Đó cũng là nguồn động viên của em khi góp nhặt và sẻ chia...".