Mỗi hiện vật là một tấm lòng với Thủ đô

Gian trưng bày Kết quả sưu tầm, hiến tặng hiện vật, tài liệu năm 2015-2016 tại Bảo tàng Hà Nội không phải là quá đồ sộ, nhưng nhiều người đã dừng chân rất lâu trước những hiện vật trưng bày. Những hộp đựng băng đạn, hay chiếc lược làm từ vỏ máy bay,... hay bộ ba bức tranh về Hà Nội đều chứa đựng những câu chuyện thú vị. Tất cả đều gắn bó với chủ nhân của chúng qua những năm tháng thăng trầm. Song, với tình cảm dành cho Thủ đô, họ đã tặng lại Bảo tàng Hà Nội, để những câu chuyện riêng của mỗi người góp phần kể câu chuyện chung về lịch sử thành phố.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà trao chứng nhận hiến tặng hiện vật cho họa sĩ Phùng Di Thuần (bên trái).
Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà trao chứng nhận hiến tặng hiện vật cho họa sĩ Phùng Di Thuần (bên trái).

Chỉ còn ít ngày nữa, cả nước sẽ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946 - 19-12-2016. Hà Nội là nơi đầu tiên nổ ra tiếng súng, cũng là nơi cuộc chiến đấu diễn ra cam go nhất, khi với một lực lượng nhỏ, ta phải kìm chân quân Pháp để Trung ương rút lên chiến khu an toàn. Bởi thế, ba bức tranh sơn dầu của họa sĩ Phùng Di Thuần trong gian trưng bày Kết quả sưu tầm, hiến tặng hiện vật, tài liệu năm 2015-2016 tại Bảo tàng Hà Nội thu hút sự chú ý của nhiều người. Đó chính là một sử thi bằng tranh, kể về cuộc chiến của quân dân Thủ đô trong những ngày đầu chín năm kháng chiến với các tên gọi: "Người quyết tử quân", "Hà Nội mùa đông năm 1946" và "Sẽ trở về giải phóng Thủ đô". Nhiều người từng nghe lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của những chiến sĩ quyết tử bảo vệ Thủ đô, nhưng không ai hình dung được mức độ khốc liệt của cuộc chiến năm ấy. Bức tranh "Người quyết tử quân" mô tả một chiến sĩ mặc áo trấn thủ ôm bom lao vào chiếc xe tăng địch. Họa sĩ khắc họa khuôn mặt người chiến sĩ sạm đen vì đạn lửa. Ôm bom lao vào xe tăng đồng nghĩa với cái chết, nhưng nét mặt người chiến sĩ ngời lên sự quyết tâm. Hình ảnh anh càng đẹp hơn khi được tôn lên trên nền vàng đỏ của lửa đạn. Nếu bức "Người quyết tử quân" tôn vinh những người con quyết tử, thì bức "Hà Nội mùa đông năm 1946" lại kể một câu chuyện khác. Hình ảnh những con người cầm súng xông lên từ một bức tường đục thủng nhắc mọi người nhớ lại bối cảnh của những trận chiến năm ấy. Địch mạnh, ta yếu, cho nên quân dân Hà Nội đã nghĩ ra chiến thuật tạo ra nhiều con đường "ngầm". Tường các ngôi nhà được đục thông từ nhà nọ ra nhà kia, để những chiến sĩ có thể đi lại, chiến đấu mà không phải ra phố. Bức "Sẽ trở về giải phóng Thủ đô" thay cho lời kết của 60 ngày đêm chiến đấu khi quân dân Hà Nội hoàn thành sứ mệnh lịch sử, thực hiện cuộc rút lui thần kỳ. Người ra đi lưu luyến ánh nhìn, hẹn ngày trở lại...

Họa sĩ Phùng Di Thuần sinh năm 1936 tại Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến nổ ra lúc ông còn là một cậu bé đi sơ tán cùng gia đình. Khi hòa bình lập lại, ông thi đỗ Trường Mỹ thuật Việt Nam và theo nghiệp hội họa. Không trực tiếp chứng kiến những trận huyết chiến ngày ấy, nhưng tình yêu dành cho mảnh đất mình sinh ra, lớn lên cộng hưởng với những câu chuyện đã thành huyền thoại của 60 ngày đêm cảm tử khiến ông ấp ủ phải có các sáng tác về những ngày Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, để truyền lại thông điệp cho thế hệ sau về chiến công, về sự hy sinh, mất mát của lớp người đi trước. Để có chất liệu cho những sáng tác của mình, họa sĩ Phùng Di Thuần đã gặp các chứng nhân lịch sử, vào các thư viện, các hiệu sách, đến những bảo tàng... Ông tìm hiểu kỹ càng tư liệu lịch sử, tìm hiểu các loại vũ khí, trang bị, kể cả quần áo... của quân dân Hà Nội trong những ngày tháng ấy. Phải mất hằng năm trời chuẩn bị và khi cảm xúc trào dâng, ông bắt tay vào sáng tác. Theo diễn biến của trận chiến, bức "Sẽ trở về giải phóng Thủ đô" là bức kết thúc, nhưng đây lại là bức tranh ông vẽ đầu tiên, cũng là bức ông dành nhiều tâm huyết hơn cả. Nổi bật ở trung tâm bức tranh là hình ảnh của người chiến sĩ trẻ, dùng dằng không muốn rời xa Thủ đô. Anh đi trong đoàn quân mà đầu ngoảnh lại. Đi bên anh là người chỉ huy già đang vỗ về an ủi. Không phải sự hào sảng, hoành tráng, mà việc mô tả cảm xúc rất thực của những người lính khi ấy làm rung động lòng người. Họa sĩ Phùng Di Thuần đã gìn giữ những bức tranh nhiều năm. Đến khi biết Bảo tàng Hà Nội vận động hiến tặng hiện vật phục vụ cho công tác trưng bày, ông đã chủ động trao tặng ba bức họa quý của cuộc đời mình.

Cùng với bộ ba bức tranh của họa sĩ Phùng Di Thuần, gian trưng bày còn nhiều hiện vật quý, mà mỗi hiện vật là một câu chuyện lịch sử. Đại tá Trần Vân, nguyên Phó Cục trưởng Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) là người tặng Bảo tàng Hà Nội tới 48 hiện vật. Trong đó, ấn tượng nhất là cuốn Hồi ký Đội quân báo Thiếu niên Bát Sắt. Khi Bác Hồ kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Trần Vân mới 15 tuổi. Cậu bé Trần Vân ngày ấy được giao nhiệm vụ làm công tác liên lạc, rồi quân báo. Đội quân báo này đóng giả làm những đứa trẻ lang thang làm đủ nghề kiếm sống để nắm bắt tình hình địch. Hoạt động của những cậu bé khiến địch không ngờ tới, và những cậu bé của đội quân báo đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng. Trần Vân chính là nhân vật Hoàng Quyên được nói đến trong truyện "Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt". Nhiều hiện vật đã gắn bó với cả đời binh nghiệp được ông trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội và mỗi hiện vật, là một câu chuyện về những huyền thoại giữa đời thường.

Trong năm 2015-2016, có tất cả 17 cá nhân đã hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội. Cùng với những hiện vật thời chiến, còn nhiều hiện vật là cổ vật, các tác phẩm mỹ thuật,... Cũng như họa sĩ Phùng Di Thuần, Đại tá Trần Vân, khi trao tặng, cái được luôn nhiều hơn cái mất. Những câu chuyện riêng sẽ góp phần kể những câu chuyện chung của Thủ đô, để thế hệ trẻ, thế hệ sau này hiểu hơn về lịch sử hào hùng của thành phố mến yêu.