Cơ bản khắc phục tình trạng quá tải học sinh

Với hơn 5.000 tỷ đồng đầu tư xây mới 70 trường học; sửa chữa phòng học cho gần 400 trường, TP Hà Nội đã thành công bước đầu trong việc giảm tình trạng quá tải tại các trường học.

Lễ khánh thành và gắn biển cho công trình Trường THCS Tứ Liên và Trường tiểu học Tứ Liên (quận Tây Hồ). Ảnh: MINH VŨ
Lễ khánh thành và gắn biển cho công trình Trường THCS Tứ Liên và Trường tiểu học Tứ Liên (quận Tây Hồ). Ảnh: MINH VŨ

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 tổ chức vào ngày 12-8 của ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ rất ấn tượng với kinh phí đầu tư cơ sở vật chất của Hà Nội cho năm học mới, với tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng. Năm học 2019 - 2020, quy mô mạng lưới trường, lớp của TP Hà Nội tiếp tục được phát triển, với 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, 58.422 nhóm lớp, 1.983.435 học sinh.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, quận đã đầu tư gần 1.800 tỷ đồng xây mới 21 trường phổ thông các cấp, cải tạo, sửa chữa 14 trường. Quận sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất trên địa bàn, nhất là quỹ đất ở các khu đô thị mới để dành đất xây trường học, trong đó, ưu tiên xây dựng các trường công lập trước, sau đó sẽ tăng cường xã hội hóa để phát triển khối trường ngoài công lập.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp, thành phố đã thành công bước đầu trong việc khắc phục tình trạng quá tải học sinh tại trường, lớp. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, năm nay tình trạng sĩ số học sinh trong một lớp vượt quá 50 em đã được khắc phục. Hiện chỉ còn một vài quận bị áp lực do tăng dân số cơ học tại các khu đô thị mới, có lớp học vẫn vượt sĩ số theo quy định của thành phố, vì cơ sở trường, lớp chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu. Tuy nhiên, trách nhiệm của các phòng GD và ĐT là phải tham mưu cho chính quyền địa phương biện pháp bảo đảm chất lượng dạy và học trong điều kiện học sinh đông vượt mức quy định.

Năm học 2018 - 2019, ngành GD và ĐT Hà Nội là đơn vị đầu tiên đưa chương trình thí điểm đào tạo song bằng vào một số trường THCS và THPT công lập. Thành phố đã có cơ sở để đánh giá hiệu quả chương trình song bằng với thành công ban đầu với 43 trên tổng số 50 học sinh khóa đầu tiên dự thi bằng quốc tế đạt kết quả tốt. “Chương trình song bằng giúp học sinh Thủ đô bước thẳng vào các trường đại học trên thế giới mà không phải tốn thêm chi phí học dự bị. Điều này vừa tiết kiệm được chi phí cho xã hội, vừa thể hiện trình độ dạy và học của thầy cô, học sinh Thủ đô” - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận xét.

Năm học 2018 - 2019, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tại các kỳ thi ô-lim-pích quốc tế và khu vực, học sinh Hà Nội đã đạt thành tích xuất sắc với 197 giải và huy chương, trong đó có một học sinh lần đầu đem vinh dự về cho Việt Nam khi giành điểm tuyệt đối ở phần thi thực hành tại kỳ thi ô-lim-pích Hóa học quốc tế. Học sinh Thủ đô giành 134 giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia; 21 đề tài đạt giải xuất sắc trong cuộc thi Khoa học Kỹ thuật.

Kỳ thi THPT quốc gia của Hà Nội diễn ra an toàn, nghiêm túc. Kết quả kỳ thi này cho thấy, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường học ở các địa bàn dần ngắn lại. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019 tăng 0,8% so với năm 2018. Trong số 70 trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, không chỉ có tên những ngôi trường vốn có truyền thống dạy tốt, học giỏi, mà còn thêm nhiều trường ở các huyện Thường Tín, Gia Lâm, Đông Anh, Thạch Thất...

Trước thềm năm học mới 2019 - 2020, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, nhiệm vụ ngành GD và ĐT Thủ đô cần đặt lên hàng đầu là chủ động tham mưu sớm cho thành phố thành lập hội đồng giáo dục với các nhà khoa học trong nước và ngoài nước để đề xuất UBND, HĐND thành phố những việc cần triển khai để đạt được mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Các em học sinh phải được rèn luyện sức khỏe tốt, giữ vững đạo đức lối sống, được cập nhật tri thức thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nhiệm vụ tiếp theo với ngành GD và ĐT là xây dựng hệ thống giáo dục cân bằng, giảm tình trạng trái tuyến, khuyến khích trường chất lượng cao mạnh dạn đề xuất cơ chế tự chủ. Đồng thời nhìn thẳng vào những hạn chế như tình trạng bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, những vấn đề các địa phương khác vấp phải, để rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời, nhằm đưa giáo dục Thủ đô phát triển lên một bước mới.