Tiếng trống chèo, từ sân khấu ra sân đình

Tối 5-9 vừa qua, hơn 300 khán giả đã có mặt trong đêm đầu tiên của tua diễn Tiếng trống chèo do Nhà hát chèo Việt Nam và nhóm Tôi xê dịch tổ chức tại đình Tháp, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Đây không phải là chương trình về văn hóa dân gian thành công đầu tiên của nhóm Tôi xê dịch. Hơn ba năm thành lập, nhóm đã tổ chức thành công gần 30 chương trình truyền thông về văn hóa – du lịch cho giới trẻ, truyền cảm hứng và thúc đẩy hành động trân trọng bảo tồn các nét văn hóa dân gian truyền thống.

Nhóm "Tôi xê dịch" chuẩn bị cho buổi biểu diễn.
Nhóm "Tôi xê dịch" chuẩn bị cho buổi biểu diễn.

Gần 30 chiếc chiếu và ba vòng ghế nhựa được đặt bao quanh sân khấu chèo tại đình Tháp vẫn không đủ chỗ cho khán giả tới xem vở diễn Quan Âm Thị Kính. 19 giờ 30 phút sân khấu mới chính thức sáng đèn nhưng trước đó hai tiếng đồng hồ, sân đình Tháp đã đầy ắp những người “yêu mến môn nghệ thuật này”. Là một trong số hơn 300 khán giả của đêm diễn, Ngô Thuần Vũ, sinh viên năm thứ 3, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Mình rất tò mò về nghệ thuật truyền thống, cũng đã nghe nói tới nghệ thuật chèo nhưng chưa bao giờ đi xem một buổi biểu diễn thật sự. Qua buổi hôm nay, chắc mình sẽ sẵn sàng bỏ từ 100 đến 200 nghìn đồng để được thưởng thức buổi biểu diễn nghệ thuật như thế này”.

Nguyễn Thị Thu Hà, người sáng lập nhóm Tôi xê dịch cho biết, Tôi xê dịch là câu lạc bộ của 20 bạn trẻ đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, có kiến thức về văn hóa truyền thống và lòng nhiệt huyết với những di sản văn hóa. Ban đầu, Tôi xê dịch được thành lập để trở thành một kênh ra-đi-ô kết nối người nước ngoài với văn hóa Việt Nam. Sau đó, nhóm nhận ra những khó khăn của chính các bạn trẻ trong nước với việc tìm hiểu văn hóa truyền thống, các xung đột giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại hay câu chuyện bảo tồn di sản, cho nên đã chuyển hướng hoạt động. Nhóm tập trung cho các dự án truyền thông các giá trị văn hóa dân gian truyền thống tới các bạn trẻ.

Tôi xê dịch đã cho ra đời diễn đàn Việc làng, nơi các bạn trẻ cùng gặp gỡ thảo luận về các vấn đề văn hóa. Còn với Windy Day, là những buổi “xê dịch” trải nghiệm văn hóa được tổ chức dưới dạng các tua biểu diễn kết hợp với các nghệ nhân, nghệ sĩ. Trước tua diễn Tiếng trống chèo lần này, nhóm đã tổ chức rất nhiều buổi biểu diễn nhiều thể loại từ ca trù, chèo cho tới tìm hiểu về tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống hay nghệ thuật điêu khắc dân gian… dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia văn hóa.

"Có một rào cản khá lớn để nghệ thuật dân gian phát triển là người Việt Nam chưa có thói quen trả tiền cho các hoạt động văn hóa, nhất là hoạt động nghe, nhìn tổ chức ở đình, chùa. Chúng mình thử nghiệm hình thức vừa huy động vốn, tìm kiếm nguồn kinh phí cho hoạt động tổ chức được chuyên nghiệp, vừa xem mức độ quan tâm tới văn hóa dân gian của cộng đồng. Không giống như các buổi biểu diễn âm nhạc dân gian khác, phần lớn phải dựa vào nguồn kinh phí của ngành văn hóa hay xin tài trợ buổi được, buổi không, qua các buổi diễn này, nhóm hy vọng sẽ dần hình thành thói quen của người dân trong việc trả tiền cho các hoạt động thưởng thức nghệ thuật để các hoạt động nghệ thuật có thể sống và duy trì mạnh mẽ" - Thu Hà nhấn mạnh.

Là người ủng hộ và gắn bó với rất nhiều hoạt động của Tôi xê dịch, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam cho biết, nhà hát hết mình hỗ trợ âm thanh ánh sáng, sân khấu. Các đạo diễn, diễn viên làm việc, diễn xuất nhiệt tình với lòng yêu nghề. Lần huy động vốn cộng đồng lần này, nhóm Tôi xê dịch đã nhận được từ những người góp vốn 16 triệu đồng, chỉ tạm đủ để trang trải các chi phí tổ chức nhưng đã phần nào thể hiện sự quan tâm tới nghệ thuật truyền thống của một bộ phận khán giả.

Tất cả các khoản chi tiêu và danh sách những người ủng hộ đều được công khai trên trang web: www.toixedich.vn của nhóm. Với mỗi mức ủng hộ khác nhau, Tôi xê dịch sẽ chuẩn bị một món quà để tri ân. Chia sẻ về sự ủng hộ của mình, họa sĩ tự do Jeet Zdung (Nguyễn Tiến Dũng) nói: “Tôi vẽ tranh về nghệ thuật chèo ủng hộ nhóm làm quà tri ân những người góp vốn vì tôi rất thích tinh thần trẻ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của Tôi xê dịch”.

Với mong muốn là cầu nối khán giả trẻ với nghệ thuật truyền thống, sau đêm diễn Quan Âm Thị Kính tại đền Tháp, nhóm Tôi xê dịch tiếp tục tua diễn Tiếng trống chèo với vở Lưu Bình Dương Lễ tại Đình Tứ Liên, quận Tây Hồ vào đêm 12-9 và vở Kim Nham tại đình Xuân Tảo, Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm vào đêm 19-9 tới đây.