Tỷ phú cam ở xã Kiêu Kỵ

Xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) nổi tiếng với nghề dát vàng qùy, nhưng những năm gần đây còn là vùng trồng cam, quýt có tiếng ở Hà Nội. Người khởi xướng phong trào này là ông Trần Văn Bình (Trong ảnh).

Tỷ phú cam ở xã Kiêu Kỵ

Xã Kiêu Kỵ hiện có tới khoảng 200 ha trồng cam. Mỗi héc-ta cho thu nhập từ 300 triệu đến 500 triệu đồng/năm. Người khởi xướng phong trào này là thầy giáo Trần Văn Bình. Ông Bình từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền nam. Hòa bình lập lại ông về quê sinh sống. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm 1 Hà Nội, ông nhận công tác tại Trường THPT Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Nhận thấy huyện Văn Giang trồng các loại cây có múi cho hiệu quả kinh tế cao, ông tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng cam ở đây. Năm 2008, ông quyết định thuê gần 2 ha đất, trồng 500 cây cam Vinh và hơn 1.000 cây cam Canh. Từ kinh nghiệm học được ở Hưng Yên, ông mua tài liệu, sách vở, lên mạng tìm tòi rồi áp dụng. Ông Bình chia sẻ: "Làm vườn cũng giống như nghề dạy học mà tôi gắn bó. Muốn giỏi nghề thì phải đam mê. Nếu đam mê bạn sẽ tích cực học hỏi, tích cực tìm tòi để khám phá". Vài năm sau, vườn cam của ông Bình lên xanh tốt, rồi đơm hoa, kết trái. Nhìn vườn cam sai trĩu quả, ai cũng khâm phục.

Khi vườn cây bắt đầu cho thu hoạch thì Nhà nước mở đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, toàn bộ trang trại của ông Bình nằm trong chỉ giới của dự án. Dù không ít tiếc nuối, nhưng ông Bình nghiêm túc chấp hành, chủ động làm công tác tư tưởng cho vợ và các con để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao. Gia đình ông là hộ đầu tiên của xã thực hiện việc bàn giao giải phóng mặt bằng cho dự án. Ông Bình và gia đình thuê một khu đất mới lên tới gần 9 ha. Năm 2014 ông về hưu, lại càng có thời gian để chăm sóc vườn cam của gia đình.

Nhận thấy việc trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những hướng đi bền vững, phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp sạch của thành phố, ông đã chuyển hướng đầu tư phát triển cam sạch. Ông chỉ dùng phân bón hữu cơ, sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng, các loại thuốc vi sinh, thảo mộc để phòng trừ bệnh cho cây, tuân thủ nguyên tắc chỉ thu hoạch cam sau hai tháng cách ly thuốc bảo vệ thực vật... Sản phẩm có chất lượng cao, cho nên các tiểu thương đến tận vườn đặt mua. Mỗi năm, trừ mọi chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng hai tỷ đồng. Năm 2016, trang trại cây ăn quả của gia đình ông Bình đã được Viện Thực hành rau quả Trung ương chính thức công nhận là "Vườn cây đầu dòng". Thành công của ông Bình đã thôi thúc nhiều người trong xã phát triển cây cam, để Kiêu Kỵ trở thành vùng cam như ngày nay.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Bình còn tích cực tham gia hoạt động xã hội. Ông là người vận động 38 hộ làm vườn trên địa bàn vào Tổ hợp tác nhằm tạo sự hỗ trợ, giúp đỡ và nâng cao tính cộng đồng trách nhiệm trong phát triển sản xuất theo vùng chuyên canh giữa các hộ. Các hộ gia đình trong tổ đã đóng góp hơn 100 triệu đồng làm đường giao thông nội đồng, phối hợp duy trì việc giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Bình được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Kiêu Kỵ, Ủy viên Ủy ban MTTQ xã Kiêu Kỵ. Gặp ông Bình, ai cũng phải thừa nhận rằng, nếu có tâm huyết và đam mê, thì dù làm nghề nông, vẫn có thể trở thành tỷ phú.