GƯƠNG SÁNG, VIỆC HAY

Giá trị sống từ tình yêu thể thao

Từ tình yêu dành cho thể thao, gia đình anh Nguyễn Thạc Trọng (sinh năm 1971) ở xã Tân Hội (huyện Ðan Phượng, Hà Nội) đã đóng góp công sức và tiền của xây dựng sân cầu lông miễn phí, góp phần nâng cao phong trào thể dục thể thao (TDTT) ở địa phương, mang lại niềm vui, sức khỏe cho người dân lối xóm.

Năm 2011, thấy phong trào TDTT của địa phương, nhất là môn cầu lông thu hút nhiều người tham gia, nhưng thiếu sân bãi, vợ chồng anh Trọng bàn nhau xây dựng sân cầu lông để mình và mọi người có chỗ rèn luyện sức khỏe. Anh Trọng đã mượn 600m2 đất trống của người thân trong gia đình, đầu tư hơn 400 triệu đồng để biến khoảnh đất thành sân cầu lông Hoàng Hiệp. Có sân bãi, anh cùng bạn bè thành lập Câu lạc bộ (CLB) cầu lông xã Tân Hội, vận động người dân trong thôn, xóm tham gia. Hằng ngày, vào buổi sáng và buổi chiều, người dân mọi lứa tuổi trong khu lại đến sân luyện tập. Phong trào sôi nổi đã thu hút nhiều người dân ở các xã lân cận tham gia, thậm chí huyện khác cũng mang vợt đến sân. Sau bảy năm hoạt động, CLB cầu lông đã có gần 70 hội viên. Năm nào CLB cũng tổ chức nhiều giải đấu, kinh phí làm giải thưởng nhiều khi lên tới 30 đến 40 triệu đồng, trong đó, gia đình anh Trọng luôn là nhà tài trợ chính.

Là người tập cầu lông từ những ngày đầu có sân Hoàng Hiệp, ông Ðỗ Gia Dũng (sinh năm 1964) - chủ doanh nghiệp vận tải hành khách và du lịch chia sẻ: "Sân trong nhà cho nên ngày mưa, gió, bão, người dân vẫn có thể tập luyện. Qua đó, khơi dậy tinh thần rèn luyện TDTT của đông đảo người dân trong thôn, xã. Hơn thế, trong những buổi luyện tập ấy, mọi người không chỉ hướng dẫn nhau chơi, mà còn chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, đời sống hằng ngày. Tình làng nghĩa xóm vì thế thêm khăng khít, gắn bó". Không chỉ ông Dũng, rất nhiều "vận động viên" trên sân Hoàng Hiệp cũng cho rằng thể thao còn là sợi dây kết nối, gắn kết các thành viên trong gia đình. Nhất là giữa nhịp sống hối hả hiện nay, mọi người luôn bị cuốn vào việc học hành, công việc, dễ bỏ quên những giây phút sum họp gia đình, sẻ chia cuộc sống. Thời gian cùng nhau tập luyện vì sức khỏe đã ít nhiều giúp mọi người cảm nhận được giá trị sống và vun đắp tình cảm gia đình, cộng đồng.

Chứng kiến sân cầu lông được nhiều người trân trọng và nhiệt tình hưởng ứng, anh Trọng nói: "Ðiều mình làm được mọi người ủng hộ là phấn khởi nhất. Tôi chỉ mong mọi người có đời sống vui vẻ, sức khỏe được cải thiện để lao động, sản xuất ngày càng hiệu quả. Nhất là lớp trẻ, rèn luyện thể thao để hướng tới lối sống lành mạnh". Anh Trọng dự định mở lớp dạy bơi miễn phí cho các cháu nhỏ. Ðã nhiều lần anh mở lớp, mời giáo viên về dạy bơi chống đuối nước miễn phí cho các cháu nhỏ nhưng không thành, bởi trẻ chưa thích. Mặt khác, anh cũng chưa vận động, thuyết phục được gia đình các cháu đến tham gia. Từ tình yêu thể thao của gia đình, cậu bé Nguyễn Thạc Hoàng Hiệp (10 tuổi) - con trai anh Trọng đã "bén duyên" với môn bơi lội từ bé. Năm 2016, tình cờ cho con tham gia tập huấn chống đuối nước của huyện, các vận động viên phát hiện con có năng khiếu bơi lội cho nên đã tuyển thẳng cậu bé vào lớp bơi của thành phố. Hiệp được tuyển vào đội tuyển bơi quốc gia, mới được hai năm, chưa thi đấu nhiều, nhưng cháu bé luôn được bố mẹ "tiếp lửa".

Bảy năm qua, tình yêu dành cho thể thao của những người dân Tân Hội, huyện Ðan Phượng vẫn luôn được khơi dậy và vun đắp vì sức khỏe cộng đồng. Ðây chính là những hạt nhân để xây dựng đời sống văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.