Tổ chức lễ hội Xuân vui tươi, an toàn, tiết kiệm

Còn hơn một tháng nữa mới đến mùa lễ hội Xuân, nhưng TP Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân bảo đảm vui tươi, an toàn, tiết kiệm. UBND thành phố đã ban hành Công văn số 87/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy, nổ; chấm dứt nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức; sắp xếp lại các hàng quán, bảo đảm sự tôn nghiêm của di tích, có chế tài để xử phạt các hành vi xả rác thải tại các lễ hội.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các địa phương đã có kế hoạch đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích văn hóa, quản lý lễ hội trên địa bàn; tổ chức các đoàn kiểm tra trước, trong và sau lễ hội, nhất là công tác quản lý giá cả hàng hoá, dịch vụ và xử lý những sai phạm trong công tác tổ chức; ngăn chặn tình trạng đeo bám, chèo kéo, nâng giá, ép giá dịch vụ; chấn chỉnh việc đặt hòm công đức, đặt tiền giọt dầu tùy tiện…

Ban quản lý các lễ hội lớn như lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Ðức), lễ hội Gò Ðống Ða (quận Ðống Ða), lễ hội Ðền Sóc (huyện Sóc Sơn) đã xây dựng các phương án cụ thể cho việc tổ chức lễ hội. Ðể hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trong khu vực di tích, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương tổ chức phân luồng giao thông, không cho xe trên 16 chỗ di chuyển hai bên đường suối Yến; sắp xếp trật tự hàng quán từ cổng lễ hội đến động Hương Tích. Ban tổ chức lễ hội Gióng xây dựng phương án bố trí hơn 200 đoàn viên, thanh niên cùng lực lượng chức năng tạo thành các vòng tròn mềm, không để xảy ra tình trạng tranh cướp, giẫm đạp để lấy lộc trong phần lễ chính. Ban tổ chức lễ hội Gò Ðống Ða lên kịch bản tăng cường phân luồng giao thông, hướng dẫn các bến bãi đỗ xe, giám sát an ninh, ngăn chặn tình trạng bán hàng rong tại lễ hội vào ngày mồng 5 Tết.

Việc chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án nêu trên là rất đáng ghi nhận và cần thiết. Những vấn đề này tuy mùa lễ hội nào cũng được đặt ra, nhưng vẫn xảy ra những vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Thí dụ như việc phát lộc gây ra sự tranh cướp tại lễ hội Ðền Sóc, lễ hội Chùa Hương trong ngày mồng 6 Tết Ðinh Dậu. Hay mới đây, trong đêm 31-12-2017, khi tổ chức các lễ hội đếm ngược tại ba sân khấu quanh hồ Hoàn Kiếm, lại tái diễn tình trạng các điểm trông giữ phương tiện thi nhau "chặt chém" người gửi xe; người đi xem biểu diễn xả rác bừa bãi, khiến đường phố ngập rác thải sau lễ hội.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường quản lý, tổ chức lễ hội của chính quyền địa phương, người dân cũng cần nâng cao văn hóa tham gia lễ hội của chính mình, từ việc mặc trang phục phù hợp, có hành vi, ngôn từ chuẩn mực, cho đến việc hạn chế việc đốt hương, đốt vàng mã, xả rác tại các lễ hội, di tích; phản ánh kịp thời hành vi tự ý nâng giá trông giữ phương tiện, hoặc dịch vụ ăn uống tại các lễ hội với các ngành chức năng để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, giữ gìn nét đẹp các lễ hội xuân.