Tăng cường trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng

Năm 2018, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 16.885 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 891 trường hợp (tỷ lệ vi phạm chiếm 5,38%). UBND cấp xã, huyện đã xử lý vi phạm 713 trường hợp và ban hành 1.086 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với số tiền là 6,78 tỷ đồng. Với các hình thức xử lý quyết liệt như vậy, trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội đã có chuyển biến.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, tình hình vẫn diễn biến phức tạp khi các công trình xây dựng không phép, sai phép, xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp diễn ra ở mọi cấp độ, mọi quy mô. Vẫn còn một số địa phương buông lỏng công tác quản lý trật tự xây dựng, công tác xử lý chưa kịp thời, triệt để. Không ít vụ việc kéo dài vẫn gây bức xúc dư luận như các vi phạm tại các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, phải đến khi Trung ương có chỉ đạo, các cơ quan chức năng mới vào cuộc quyết liệt. Tại huyện Hoài Ðức, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp ở thôn Ðại Tự (xã Kim Chung) bị người dân tự chuyển đổi để xây dựng nhà xưởng, biến nơi đây thành khu sản xuất kim khí. Ðiều đáng nói, vi phạm diễn ra nhiều năm, song vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Ngày 18-3-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2019/QÐ-UBND về Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố yêu cầu, những công trình xây dựng phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật theo quy định hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật.

UBND thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, nội dung công việc liên quan chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tham gia phối hợp phải tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm không chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm; phối hợp, hỗ trợ hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, công trình vi phạm về trật tự xây dựng theo thẩm quyền. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phải được bàn bạc, thống nhất giải quyết trên cơ sở thẩm quyền của mỗi cơ quan đã được pháp luật quy định và yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan liên quan. Trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết, Sở Xây dựng có trách nhiệm báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét quyết định.

Hy vọng quy định mới này cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, tình hình trật tự xây dựng tại Hà Nội sẽ đi vào nền nếp hơn.