Quyết liệt thu hồi, xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội

Ngày 4-4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội có buổi làm việc với mười doanh nghiệp chậm đóng BHXH, để nợ đọng kéo dài. Tổng số tiền các doanh nghiệp này đang nợ là hơn 22 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp nợ nhiều nhất là hơn sáu tỷ đồng, thấp nhất là hơn 300 triệu đồng, thời gian nợ dài nhất là 55 tháng, ngắn nhất là bảy tháng.

Việc nợ, chậm đóng BHXH của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gần 400 lao động. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ bảo hiểm cho người lao động, tại buổi làm việc, đại diện BHXH Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp nộp ngay số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vào tài khoản thu của cơ quan BHXH trước ngày 5-5-2018. Sau ngày này, các doanh nghiệp không thực hiện, BHXH thành phố sẽ phối hợp liên ngành hoàn thiện hồ sơ đề nghị cơ quan công an tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây là một trong những giải pháp mạnh của TP Hà Nội trong việc thu hồi, xử lý nợ đọng BHXH trên địa bàn. Đầu năm 2018, Thanh tra TP Hà Nội đã ban hành các quyết định thành lập bốn đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra tại 80 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn. Đến nay, đã có 32 trong tổng số 80 doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn tự giác nộp tiền. Trước đó, trong năm 2017, BHXH thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác thu, thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT. BHXH các cấp đã gửi văn bản đôn đốc thu nợ đến hơn 184.000 đơn vị, doanh nghiệp và cử cán bộ trực tiếp đôn đốc thu tại 5.400 đơn vị, kết quả đã thu hồi được 1.400 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện thanh tra chuyên ngành tại 182 đơn vị, thu hồi được 47,3 tỷ đồng; kiểm tra tại 812 đơn vị, thu hồi được 111,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BHXH tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và đơn vị doanh nghiệp nắm được nghĩa vụ, quyền lợi của mình khi tham gia BHXH, BHYT; công khai danh sách các doanh nghiệp nợ. BHXH thành phố cũng đã đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp liên ngành giữa Công an thành phố, Cục Thuế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố trong thực hiện xử lý, thu hồi nợ đọng. Với những giải pháp nêu trên, số tiền nợ BHXH trên địa bàn Thủ đô có chiều hướng giảm. Tính đến cuối năm 2017, số tiền nợ BHXH, BHYT là hơn 2.800 tỷ đồng, giảm 25,2% so cùng kỳ năm 2016. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn là địa phương có số nợ tiền BHXH, BHYT cao nhất cả nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của hơn 758 nghìn lao động.

Việc nợ, chậm đóng BHXH của các doanh nghiệp đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Đó là nghỉ việc không được giải quyết kịp thời chế độ BHXH, BHTN, người lao động không được hưởng các quyền lợi BHXH ngắn hạn như ốm đau, thai sản, dưỡng sức, người lao động thất nghiệp, nhưng không được hưởng BHTN trong thời gian chưa tìm kiếm được việc làm; hay đủ điều kiện nghỉ hưu không được giải quyết chế độ hưu trí kịp thời… Theo Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật, trong năm 2018, bên cạnh các giải pháp quyết liệt trong đôn đốc, xử lý, thu hồi nợ đọng, BHXH thành phố cũng đang tích cực, chủ động thu thập hồ sơ, chứng cứ vi phạm pháp luật đối với những đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT để chuyển sang cơ quan công an tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Hy vọng rằng, với các giải pháp mạnh mẽ, cùng với sự phối hợp liên ngành chặt chẽ, công tác thu hồi, xử lý nợ đọng BHXH trên địa bàn thành phố sẽ có những chuyển biến tích cực, bảo đảm quyền lợi cho hàng trăm nghìn lao động, cũng như hoạt động của Quỹ BHXH, BHYT.