Quan tâm đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Với hơn 90 nghìn nhân khẩu, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 1,2% số dân của Hà Nội, sinh sống tập trung tại 14 xã thuộc các huyện có kinh tế khó khăn như: Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Ðức, Quốc Oai... Bởi vậy, trong những năm qua, TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 138 nhằm tiếp tục phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn từ năm 2016 đến 2020. Theo kế hoạch này, thành phố đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình cũ và các công trình dân sinh; hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình phục vụ văn hóa, giáo dục, thủy lợi, sinh hoạt cộng đồng... Kế hoạch này được cụ thể hóa bằng hai chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và 225 công trình đầu tư tập trung phục vụ đồng bào dân tộc tại 14 xã miền núi. Tổng vốn đầu tư cho các dự án là 2.324 tỷ đồng, bao gồm 75 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất và 2.249 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nhờ sự quan tâm của Ðảng bộ, chính quyền thành phố, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có nhiều đổi thay, nhất là khi thành phố triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Ðiển hình như ba xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) đã thực hiện các dự án với kinh phí hơn 735 tỷ đồng, riêng xã Yên Bình được đầu tư 200 tỷ đồng. Qua đó, hệ thống đường giao thông, trường học được xây dựng đồng bộ. Nhân dân xã Yên Bình đã thay đổi cơ cấu sản xuất, phát triển các mô hình nuôi ong, nuôi dê sinh sản; mô hình chuyển đổi vườn tạp sang trồng thanh long ruột đỏ và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; trồng rau an toàn, kết hợp chăn nuôi hữu cơ... Thu nhập bình quân đầu người của Yên Bình đã vượt mức 40 triệu đồng/người/năm và trở thành xã dân tộc thiểu số đầu tiên của Hà Nội được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Một mô hình nổi bật khác là xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Là xã nghèo, nhưng được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, xã Ba Trại đã đưa vào trồng giống chè mới, thay thế giống chè cũ năng suất, chất lượng không cao, giúp người dân tăng thu nhập. Về hạ tầng, với phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", 100% số đường liên xã, đường trục thôn và 95% số đường ngõ, xóm được bê-tông hóa; 85% số đường nội đồng, 90% số kênh, mương được xây dựng kiên cố. Xã Ba Trại đã đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2017. Phong trào thi đua đổi mới sản xuất, xây dựng hạ tầng, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới diễn ra sôi động ở các xã vùng dân tộc miền núi.

Cùng với hỗ trợ phát triển kinh tế, thành phố quan tâm công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc. Các cấp, các ngành của thành phố có những biện pháp hỗ trợ, khuyến khích đồng bào Mường ở huyện Thạch Thất giữ gìn văn hóa cồng chiêng; đồng bào Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì gìn giữ, phát triển những bài thuốc quý. Thành phố đã chỉ đạo các quận hỗ trợ các làng, xã thuộc vùng dân tộc kinh phí xây dựng gần 50 nhà văn hóa với tổng số tiền khoảng 100 tỷ đồng.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp đến, trong niềm vui chung của đất nước, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị bán hàng Tết lưu động tại các vùng đồng bào dân tộc, miền núi, tổ chức tặng quà Tết cho những hộ nghèo để người dân các dân tộc thiểu số đón Tết cổ truyền ấm áp, đậm sắc màu văn hóa truyền thống.