Kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở

Sau 5 năm thực hiện Ðề án số 06-ÐA/TU ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội", Hà Nội đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc đồng bộ hệ thống chính trị và nâng cao hiệu quả quản lý từ cơ sở. Ðó là giảm bớt hàng nghìn thôn, tổ dân phố, chi bộ và các đoàn thể ở khu dân cư; đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của một cấp ủy đối với một địa bàn dân cư cùng cấp.

Tuy nhiên, để phù hợp hơn nữa với thực tế, bảo đảm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả hoạt động cơ sở, vẫn cần tiếp tục có những điều chỉnh, nhất là hai chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn hoặc tổ trưởng dân phố. Trên thực tế, khi chi bộ ra nghị quyết và triển khai thì giao cho trưởng thôn, tổ trưởng dân phố thực hiện. Nếu trưởng thôn năng động thì việc triển khai nhanh và đúng, nhưng ngược lại, thì nghị quyết không thể triển khai được; thậm chí còn không thống nhất, cho nên nhiều việc ở cơ sở chưa được xử lý hiệu quả, nhất là những vấn đề nảy sinh ngay trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, dù Hà Nội là một trong những địa phương có mức phụ cấp cao nhất dành cho bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, nhưng thu nhập từ hai chức danh này vẫn còn khá thấp. Chính vì thế, nhiều người không mặn mà khi tham gia công tác, dẫn đến hiệu quả hoạt động có nơi, có lúc chưa cao.

Trước thực tế này, mới đây Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 109-KH/TU về tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Ðề án số 06-ÐA/TU. Theo đó, đối với các chi bộ thôn, tổ dân phố có đông đảng viên (hơn 100 đảng viên), Thành ủy yêu cầu cấp ủy cấp trên, trực tiếp là đảng ủy xã, phường, thị trấn, tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ này; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế hoạt động của chi bộ, kịp thời chỉ đạo, uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, thiếu sót trong việc duy trì, chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng trong sinh hoạt chi bộ.

Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu từng bước kiện toàn mô hình kiêm nhiệm bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; nghiên cứu mô hình kiêm nhiệm các chức danh gắn với khoán kinh phí hoạt động đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn, tổ dân phố, trước mắt sẽ thực hiện thí điểm tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm từ quý I-2019. Thành phố phấn đấu đến năm 2023, có từ 50% trở lên số thôn, tổ dân phố thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố.

Theo đánh giá, khi áp dụng vào thực tế, mô hình này sẽ giúp tinh giản hơn nữa bộ máy ở cơ sở, tiết kiệm ngân sách; quan trọng hơn là phát huy tốt sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở thôn, khu dân cư. Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố vừa sâu sát thực tế, vừa nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng, việc chấp hành chính sách pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao, góp phần gắn kết giữa Ðảng với nhân dân, đem lại niềm tin cho nhân dân.