Kiên quyết loại bỏ bếp than tổ ong

Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 55 nghìn bếp than tổ ong đang đỏ lửa mỗi ngày. Tính trung bình người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than/ngày, đồng thời phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào không khí. Ðiều này có nghĩa là hằng ngày không khí Thủ đô phải gánh chịu lượng khí thải khổng lồ, dẫn đến các hệ lụy về sức khỏe và môi trường.

Sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu vẫn là thói quen khó bỏ của một số hộ dân Hà Nội. Không chỉ gây ra các căn bệnh liên quan đường hô hấp, tim mạch, những ai bị nhiễm độc khí than quá lâu sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, mất phản xạ ở vỏ não… Thời gian qua, Sở TN và MT Hà Nội đã phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai mô hình thí điểm thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, thân thiện môi trường tại một số phường trên địa bàn thành phố. Người dân được mượn bếp dùng thử để trải nghiệm trước khi mua, đồng thời được hưởng mức giá ưu đãi (thấp hơn giá thị trường khoảng 30 - 40%).

Tuy nhiên, theo một số người dân, khi dùng bếp than thì thời gian cháy hết một viên than khoảng bốn giờ, trong khi thời gian cháy hết 1 kg nguyên liệu của bếp cải tiến chỉ khoảng hai giờ. Việc mua nguyên liệu để đun chưa thuận lợi, chi phí đắt hơn cũng là rào cản khiến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải tính toán cân nhắc. Cụ thể, giá than tổ ong là 3.000 đồng/viên, trong khi với bếp cải tiến, giá nguyên liệu từ 3.500 đến 4.000 đồng/kg.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ra chỉ thị về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến môi trường. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền; triển khai các biện pháp hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi từ sử dụng than và bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng; thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý và kiểm soát, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trước ngày 31-12-2020.

UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Công thương, Sở Tài chính sớm xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp sản phẩm bếp an toàn, thân thiện môi trường và sức khỏe con người thay thế bếp than tổ ong; có chính sách hỗ trợ để các cơ sở sản xuất, kinh doanh than tổ ong chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30-6-2020 để xem xét quyết định.

Theo UBND thành phố Hà Nội, sau giai đoạn thông báo chủ trương, vận động, hỗ trợ chuyển đổi, loại bỏ bếp than tổ ong, từ ngày 1-1-2021, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt và những giải pháp cụ thể như vậy, Hà Nội sẽ giảm những tác động tiêu cực đến môi trường.