Kiểm soát, ngăn ngừa sự lây lan của dịch cúm gia cầm

Trong khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì mới đây, trên địa bàn thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại bốn hộ chăn nuôi.

Ngay sau khi phát hiện dịch, lực lượng chức năng đã nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ số gia cầm tại các hộ phát dịch, với tổng số hơn 6.800 con; thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại chỗ. Đồng thời, thành lập các chốt kiểm dịch ngăn chặn vận chuyển gia cầm ra, vào vùng dịch; phun thuốc khử trùng tiêu độc các phương tiện ra, vào vùng dịch và chung quanh các chuồng trại gần khu vực phát hiện ổ dịch để khoanh vùng, ngăn chặn dịch lây lan… Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch vẫn rất lớn vì tổng số gia cầm trên địa bàn xã Phú Nghĩa cao, với khoảng 664 nghìn con, trong đó riêng thôn Phú Vinh có tới 440 nghìn con.

Còn nhớ, đỉnh điểm dịch cúm gia cầm xảy ra tại nước ta vào năm 2004, 2005 đã làm hàng chục người chết, ngành chăn nuôi lao đao một thời gian dài. Vì vậy, để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến của bệnh cúm gia cầm, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu lực lượng công an, quản lý thị trường và các ngành, đơn vị tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, nhất là đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam; tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu hơn 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng; tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, phát hiện và báo cáo kịp thời. Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1) và các loại cúm gia cầm khác trên người, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.

Mặc dù thành phố có nhiều chỉ đạo ráo riết như vậy, nhưng trên thực tế, ý thức phòng, chống dịch của các cấp, ngành và người dân Thủ đô còn nhiều bất cập. Ngày 22-6-2007, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 71/2007/QĐ-UBND, ban hành quy định phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trong đó quy định rõ, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không được phép chăn nuôi, giết mổ gia cầm trong nội thành. Đến nay, quyết định này vẫn còn hiệu lực, nhưng ai cũng dễ dàng nhận thấy, tại một số chợ dân sinh, khu đông dân cư ở Hà Nội, tình trạng giết mổ gia cầm vẫn diễn ra khá sôi động. Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm và dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, nếu chỉ tập trung những giải pháp như thành phố chỉ đạo, mà không kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, tiêu thụ gia cầm trên địa bàn thì tiềm ẩn nguy cơ khó lường về sự lây lan của dịch bệnh từ gia cầm sang người. Do đó, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm cần phải được thành phố chỉ đạo thực hiện đồng bộ, triệt để nhằm đạt hiệu quả cao, không làm diễn biến tình hình thêm phức tạp.