Khắc phục tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị

Theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về “Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030” thì mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới phải có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS công lập. Tuy nhiên, theo khảo sát, hầu hết các khu đô thị đều thiếu trường trầm trọng, gây áp lực cho các trường học công hiện có tại khu dân cư.

Theo rà soát của Sở Xây dựng, trong số 78 dự án khu đô thị mới có quy hoạch đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học phổ thông, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, cây xanh), mới có 36 dự án được đầu tư xây dựng theo quy hoạch; 27 dự án đang thực hiện cùng với tiến độ xây dựng nhà ở; 15 dự án đầu tư xây dựng chưa đồng bộ với tiến độ xây dựng nhà ở. Điều đó dẫn tới tình trạng nhiều khu chung cư trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), Vạn Phúc (quận Hà Đông), Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm)… đang thiếu trầm trọng trường học. Tình trạng này dẫn đến nhiều trường công lập hiện có rơi vào tình trạng quá tải. Rất nhiều trường hiện nay có sĩ số học sinh lên tới 60 em/lớp, gần gấp hai lần so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho bậc tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp. Sĩ số cao nhưng vẫn không đủ lớp học, có trường phải tổ chức cho các lớp nghỉ học luân phiên trong tuần và học bù vào ngày cuối tuần.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do các chủ đầu tư khu đô thị chưa có trách nhiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng xã hội, trong đó có trường học phục vụ dân cư. Tại các khu xây chung cư, khu đô thị đều có quy hoạch dành một phần đất để xây dựng trường học và hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư không thực hiện, trong khi đó, thành phố cũng chưa có chế tài để xử lý.

Để giải quyết tình trạng này, mới đây UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành rà soát việc thiếu trường tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố; tổng hợp, xác định nhu cầu xây dựng trường học còn thiếu đến năm 2020 và 2025; xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng, giải quyết tình trạng thiếu trường giai đoạn 2018-2020. Sở Quy hoạch - Kiến trúc căn cứ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng trường học, đề xuất UBND thành phố báo cáo các bộ, ngành liên quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến đặc thù đối với việc nâng tầng tại các quận trung tâm thành phố, mà không có khả năng bố trí quỹ đất xây dựng trường học. Đối với dự án xây dựng khu đô thị mới trên địa bàn, khi phê duyệt dự án, thành phố yêu cầu nhà đầu tư dành đủ quỹ đất xây dựng trường học, bảo đảm quyền lợi học tập của con em tại khu đô thị và vùng lân cận.

Tại khu vực nội đô quỹ đất hạn hẹp, việc nâng tầng cho các trường học là cần thiết để bảo đảm không gian, điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh. Với các khu đô thị, yêu cầu dành quỹ đất xây trường không phải là mới, nhưng vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Do đó, đề nghị thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành phải quyết liệt hơn, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để các nhà đầu tư chỉ lo xây nhà để bán, mà để cộng đồng phải gánh chịu những hệ lụy vì thiếu trường học.