Hướng đi mới cho sản phẩm công nghiệp chủ lực

Sở Công thương Hà Nội vừa công bố, tôn vinh 30 sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2019. Năm qua, có 48 sản phẩm của 37 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL). Kết quả, đã có 30 sản phẩm của 22 doanh nghiệp đủ điều kiện đạt danh hiệu SPCNCL thành phố. Ðáng mừng là trong số các sản phẩm được công nhận là SPCNCL năm nay, bên cạnh những mặt hàng truyền thống, vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp Hà Nội như: Khóa cửa, sản phẩm dệt kim cao cấp, giày thể thao, linh kiện nhựa ô-tô, xe máy... có sự góp mặt của nhiều sản phẩm mới, có hàm lượng chất xám cao, thân thiện với môi trường như: Thẻ từ, túi thân thiện môi trường, bản mạch in điện tử dùng cho điện thoại thông minh, phần m

Kết quả này cho thấy thời gian qua, công nghiệp Hà Nội đã đầu tư đúng hướng cho những lĩnh vực ưu tiên như công nghệ vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác... Các doanh nghiệp tham gia chương trình SPCNCL đã nỗ lực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao mức độ tự động hóa. Vì vậy, những sản phẩm được công nhận đạt danh hiệu SPCNCL Hà Nội bảo đảm tính cạnh tranh cao, góp phần khẳng định uy tín sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường và trong cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt danh hiệu SPCNCL Hà Nội năm 2019 sẽ được tham gia và thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ của thành phố như: Xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học - công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, áp dụng kế hoạch sản xuất sạch hơn...

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu đãi nêu trên, một số doanh nghiệp sản xuất SPCNCL cho biết, họ đang phải đối mặt với những khó khăn về thuế, đất đai, vốn, mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính... Một số sản phẩm dù mang danh hiệu SPCNCL, nhưng việc chế tạo vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của doanh nghiệp chưa cao, dẫn tới tình trạng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh ở những gói thầu, dự án có yêu cầu kỹ thuật cao.

Thời gian tới, Sở Công thương và các sở, ban, ngành của thành phố cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL nói riêng, các doanh nghiệp ngành công nghiệp nói chung; thực hiện tốt công tác đánh giá xét chọn và tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy trình, tiêu chí đánh giá xét chọn SPCNCL nhằm thu hút, lựa chọn được nhiều sản phẩm và doanh nghiệp thật sự có thế mạnh, tiềm lực, hiệu quả và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế Thủ đô. Về phía các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL, cần chủ động, tăng cường các hoạt động kết nối, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, để sản phẩm có sức cạnh tranh cao, góp phần phát triển công nghiệp Thủ đô nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói chung.