Giải quyết dứt điểm các hạn chế, yếu kém

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ chín HÐND thành phố Hà Nội khóa 15 tổ chức ngày 9-7 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô. Ba vấn đề được chọn để chất vấn đều là những nội dung thiết thực, sát sườn với người dân, trong đó công tác quản lý các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật Ðất đai và công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) là hai vấn đề được chất vấn trong nhiều kỳ họp HÐND thành phố, song chuyển biến chưa được như mong muốn.

Ngoài ra, đại biểu HÐND mong muốn các thành viên UBND thành phố làm rõ việc triển khai Ðề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030", bởi thời hạn tiến hành hạn chế xe máy khu vực nội đô đang đến gần, trong khi các chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Ba năm gần đây, việc xử lý các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Ðất đai đã quyết liệt hơn, nhiều dự án bị thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, song vẫn còn 65 dự án (trong tổng số 215 dự án chậm triển khai đã được HÐND thành phố đề xuất xử lý từ năm 2015) chưa được xử lý triệt để, gây lãng phí nguồn lực và làm suy giảm lòng tin của người dân với hiệu lực của bộ máy chính quyền. Về công tác bảo đảm an toàn PCCC, từ năm 2016 đến nay, Công an thành phố đã kiểm tra hơn 123.800 lượt cơ sở, kiến nghị cơ sở khắc phục hơn 280 nghìn trường hợp còn thiếu sót về PCCC, ra quyết định xử phạt hơn 10 nghìn trường hợp vi phạm với số tiền gần 30 tỷ đồng, ra quyết định đình chỉ 1.520 trường hợp, tạm đình chỉ 1.025 trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn PCCC… Tuy nhiên, nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn ở các loại hình nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh, tình hình cháy nổ diễn ra phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Ðiển hình là vụ cháy nhà xưởng sản xuất tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm khiến tám người chết xảy ra tháng 4-2019; đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp phải có giải pháp tăng cường quản lý, ngăn ngừa hiểm họa.

Đối với Ðề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, mặc dù thời gian qua, thành phố đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhờ đó giảm 14 điểm ùn tắc so với năm 2016, nâng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng lên 15,7%. Tuy nhiên, nhiều nhiệm vụ của Ðề án triển khai còn chậm, nếu như hai tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Ðông) và số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) không hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm, thì mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, đạt từ 20 đến 21% khó hoàn thành được. Ðến nay, các chính sách, cơ chế của thành phố nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống giao thông thông minh, đường sắt đô thị theo hình thức PPP, BT, vẫn chưa được ban hành. Vì vậy, các dự án vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn tiếp theo chưa thể triển khai, ảnh hưởng không nhỏ đến lộ trình thực hiện Ðề án đến năm 2030.

Rất mong qua kỳ chất vấn lần này, sau khi nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, phân tích kỹ lưỡng các nguyên nhân khách quan, chủ quan, UBND thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu, triển khai các biện pháp cụ thể nhằm khắc phục những thiếu sót, hạn chế, để những vấn đề "nóng" trong phiên chất vấn lần này sẽ không là nỗi bức xúc của cử tri trong các kỳ họp HÐND tiếp theo.