Đề cao cảnh giác "giặc" lửa

Những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy. Tuy mức độ thiệt hại khác nhau, nhưng các vụ cháy đều diễn biến hết sức phức tạp. Trưa hôm qua 21-11, lửa bùng phát từ nhà số 26, ngõ 281 Trần Khát Chân - cơ sở kinh doanh hóa chất giữa khu dân cư đông đúc. Đám cháy lan sang ba căn nhà bên cạnh gồm: nhà số 24, 28 và nhà số 7 ngõ 283.

Do nhà số 7 ngõ 283 là kho chứa phụ tùng đồ nhựa cho nên lửa bùng lên thành đám cháy lớn, khói đen bốc cao hàng chục mét. Lực lượng chữa cháy đã có mặt và sau gần một giờ thì ngọn lửa mới được dập tắt. Vụ cháy làm một người bị thương và thiêu rụi tất cả đồ đạc sinh hoạt trong bốn ngôi nhà. Theo những người dân sinh sống tại đây cho biết, chủ nhà số 26 kinh doanh hóa chất từ nhiều năm nay, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của cư dân ở đây và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cao. Cách đây vài năm, tại tầng 4 của căn nhà này, nơi chủ nhà để hóa chất, cũng đã xảy ra vụ cháy khá lớn. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền, nhưng tình trạng đáng lo ngại này vẫn không được giải quyết.

Chỉ cách vụ cháy này bốn ngày, chiều 17-11, vụ cháy nổ trạm biến áp trên đường Trưng Nhị (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) xảy ra khiến cho năm người chết và bị thương. Đêm 4-11, đám cháy lớn tại chùa Tĩnh Lâu, phường Bưởi, quận Tây Hồ cũng thiêu rụi toàn bộ tài sản, đồ thờ trong khu nhà thờ tổ rộng gần 300 m2 của ngôi chùa cổ… Theo số liệu của Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 831 vụ cháy, làm 19 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 80 tỷ đồng. So năm 2015, cho đến thời điểm này số vụ cháy tăng 55 vụ, số người chết tăng 11 người, tài sản bị thiệt hại tăng 40 tỷ đồng. Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế của HĐND thành phố Hà Nội về công tác PCCC, đại diện Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết nguyên nhân vì sao tình trạng cháy nổ ngày càng diễn biến phức tạp. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là do sự biến đổi của khí hậu, còn có nhiều nguyên nhân chủ quan như hoạt động sản xuất, kinh doanh gia tăng, nhất là các loại hình kinh doanh giải trí luôn tập trung đông người như ka-ra-ô-kê, vũ trường… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, trong khi cơ sở hạ tầng xã hội còn nhiều bất cập, ý thức, nhận thức của người dân về an toàn PCCC còn nhiều hạn chế, điều kiện phục vụ công tác chữa cháy còn thiếu.

Chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm thời tiết hanh khô, rất dễ xảy ra cháy, nổ, đồng thời cũng là dịp sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa cao điểm nhất trong năm. Nếu xảy ra cháy thì hậu quả khôn lường. Vì vậy, hơn bao giờ hết, những bất cập về công tác PCCC cần sớm được các lực lượng chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp khắc phục nhanh chóng. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức phòng cháy cho mọi người, lực lượng chức năng cần tập trung rà soát công tác PCCC tại các địa bàn trọng điểm như nhà chung cư, chợ, trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ giải trí tập trung đông người; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chữa cháy; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về PCCC, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại nếu như xảy ra cháy.