Đầu tư xây dựng các công trình công cộng

Không chỉ ở khu vực trung tâm, điểm du lịch, mà trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng nhiều lúc khiến người dân, khách du lịch lâm vào tình huống “khó nói”. Để xử lý tình huống này, không ít người đã phải vào quán cà-phê hay cửa hàng nào đó để sử dụng nhờ nhà vệ sinh. Một số trường hợp khác lại chọn gốc cây, bờ tường..., tạo nên những hình ảnh phản cảm.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, tổng số nhà vệ sinh (NVS) trên địa bàn thành phố là 371 nhà (không bao gồm số NVS mới lắp đặt theo hình thức xã hội hóa), trong đó có 113 nhà vệ sinh bằng vỏ thép, hầu hết được xây dựng từ năm 2003 đến năm 2010. Còn lại 258 NVS bằng gạch, hầu hết được xây dựng từ trước năm 1990 nhằm phục vụ nhu cầu vệ sinh tại các khu dân cư và được phân bố trong các khu nhà dân, khu tập thể, nằm sâu trong ngõ. Với hơn 7,7 triệu dân cùng hàng triệu khách du lịch đến với Hà Nội mỗi năm, số lượng nêu trên là quá ít.

Nhằm cải thiện tình trạng thiếu NVS công cộng trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp, từ năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương đầu tư, lắp đặt và đưa vào vận hành 1.000 NVS xã hội hóa. Dự án này đang được Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing thực hiện. Đến cuối năm 2017, công ty này đã sản xuất được 165 NVS, bàn giao được 98 NVS cho thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, hiện dự án liên tục bị chậm tiến độ bởi riêng việc tìm vị trí để đặt NVS lại thuộc trách nhiệm của UBND các phường. Chưa kể chính quyền chọn được địa điểm thì một số hộ dân gần đó lại không đồng ý cho đặt. Đây là những rào cản cần sớm được giải quyết để hệ thống NVS công cộng hiện đại sớm thành hiện thực.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Văn phòng Chính phủ đã thị sát hệ thống công trình vệ sinh công cộng tại một số điểm du lịch di sản, trạm y tế, trường học trên địa bàn Hà Nội. Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, thành phố phải tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa cho hệ thống cơ sở vật chất công trình công cộng trên địa bàn, coi đây là một tiêu chí đánh giá mức độ văn minh của một quốc gia, một đô thị, cũng như yêu cầu cải thiện điều kiện sức khỏe cho người dân. Bên cạnh việc có cơ chế tự chủ để đầu tư cải tạo cũng như kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình vệ sinh công cộng trên địa bàn, Hà Nội còn cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức văn hóa của người dân từ những việc tưởng nhỏ mà không nhỏ như giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ các công trình công cộng.