Cho thành phố thêm xanh

Khi mới triển khai vào năm 2016, chương trình trồng mới một triệu cây xanh của thành phố Hà Nội gặp không ít ý kiến khác nhau. Có ý kiến lo ngại khó đạt được số lượng ấy, có ý kiến lại cho rằng chất lượng sẽ không bảo đảm. Nhưng bằng sự quyết tâm cao cùng các kế hoạch cụ thể, chương trình trồng mới một triệu cây xanh trên địa bàn Thủ đô đã về đích trước hai năm.

Khoảng 75.000 cây thuộc 175 loài, 55 họ thực vật đã được trồng, tỏa bóng mát trên 843 tuyến đường, phố thuộc 12 quận nội thành. Một số loài được coi là cây truyền thống của Hà Nội và được trồng với số lượng lớn như xà cừ, sữa, sấu, muồng, bằng lăng, lim xẹt, chẹo, phượng vĩ, bàng… Bên cạnh đó, nhiều chủng loại cây mới được đưa vào trồng tạo nên giá trị lớn về cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị như: sang, hoa ban, chà là, cọ dầu, bàng lá nhỏ, chiêu liêu, long não, giáng hương, lộc vừng. Nhiều tuyến phố không chỉ được phủ xanh, mà còn tạo điểm nhấn đẹp từ những hàng cây. Trong đó, hệ thống cây xanh trên trục đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công (đoạn từ Cầu Giấy đến Sân bay quốc tế Nội Bài) chính là tuyến đường kiểu mẫu trong việc thiết kế, trồng, chăm sóc hệ thống cây xanh, được người dân và du khách đánh giá cao. Cùng với việc trồng mới, TP Hà Nội cũng rất coi trọng kỹ thuật để bảo đảm chất lượng cây phát triển bền vững, tăng cường biện pháp bảo vệ cây xanh, chăm sóc cây trước sự xâm hại từ bên ngoài. Nhất là việc cắt, tỉa cây cũng đã và đang được các đơn vị chăm sóc cây xanh thực hiện một cách chuyên nghiệp, đều đặn, với sự hỗ trợ của máy móc, kỹ thuật hiện đại.

Sau khi hoàn thành chương trình trồng một triệu cây xanh, Hà Nội đã nâng mục tiêu trồng thêm 600 nghìn cây và hoàn thành vào năm 2020. Với kinh nghiệm đã có, lãnh đạo thành phố tin tưởng mỗi năm sẽ trồng thêm 300 nghìn cây nữa và hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trồng thêm 600 nghìn cây vào năm 2020. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu việc trồng cây xanh không chỉ để tăng thêm diện tích xanh mà còn là cây cảnh, tạo vẻ đẹp cho đô thị. Để cây phát triển tốt, ngoài chọn giống cây tốt, còn cần bảo đảm "ba đều": đều chiều cao, đều kích thước, đều khoảng cách; đồng thời bảo đảm quy trình: Trồng mới, cắt tỉa, đánh chuyển, trồng bổ sung, chăm sóc, cắt tỉa, làm đẹp và chú ý đến kỹ thuật làm đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Để chương trình được duy trì và phát triển bền vững, trong thời gian tới, Hà Nội cần xây dựng quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể. Quy hoạch này cần chỉ rõ ba giai đoạn cụ thể như ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đồng thời cần có mối quan hệ mật thiết giữa các nhà kiến trúc đô thị với các đơn vị trồng cây, để bảo đảm sự phù hợp giữa loài cây trồng với đặc điểm của đường phố và các công trình xây dựng. Bên cạnh những nỗ lực của các cấp, ngành và sự góp sức của các doanh nghiệp thì vai trò của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ và chăm sóc cây xanh cũng phải được nâng cao hơn nữa để Thủ đô thật sự trở thành một đô thị xanh, sạch, đẹp.