Thau rửa môi trường nước Hồ Tây, sông Tô Lịch

Cắt ngọn không bằng chặn gốc

Vốn là phân lưu của sông Hồng, trước kia, sông Tô Lịch là con sông đẹp và thơ mộng bậc nhất chảy giữa kinh thành Thăng Long. Trải qua thời gian và quá trình đô thị hóa, sông Tô Lịch trở thành một trong bốn dòng sông thoát nước chính trong nội đô Hà Nội, nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi khó chịu.

Chưa phải chịu tình cảnh ô nhiễm nghiêm trọng như sông Tô Lịch, nhưng những năm gần đây, môi trường nước hồ Tây cũng không còn trong lành như xưa. Hồ Tây phải đối mặt với vấn đề cạn kiệt mực nước, do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm. Ngoài ra, môi trường nước hồ bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, do nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, nhà hàng, cơ sở sản xuất đổ xuống hồ. Cuối năm 2016, tình trạng ô nhiễm ở hồ Tây lên đến mức đáng báo động khiến khoảng 200 tấn cá nuôi trong hồ bị chết.

Ý tưởng làm hồi sinh hồ Tây và dòng sông Tô Lịch không chỉ đáp ứng yêu cầu bức thiết để cải thiện môi trường sống cho người dân, mà còn mang lại các giá trị kinh tế rất lớn cho thành phố. Khi môi trường nước được làm sạch, cảnh quan, mặt nước trên hồ Tây và sông Tô Lịch đủ điều kiện để phát triển du lịch, giao thông. Mới đây, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) đã xây dựng phương án và đề xuất UBND thành phố Hà Nội xem xét, phê duyệt thực hiện dự án đầu tư xây dựng trạm bơm chìm có công suất cấp nước 156 nghìn m3/ngày đêm, bơm nước từ sông Hồng, bổ sung cho hồ Tây, cải thiện chất lượng nước hồ. Ðồng thời, điều tiết nước từ hồ Tây qua hai cửa xả ở đường Lạc Long Quân và phố Trích Sài để dẫn nước vào thau rửa sông Tô Lịch.

Hầu hết các chuyên gia, các nhà khoa học đều ủng hộ chủ trương của thành phố Hà Nội về việc cho phép các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp để bổ cập nước cho hồ Tây và mong muốn xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, để sông được sạch, đẹp, thơ mộng như những con dòng lớn chảy giữa Thủ đô các nước trên thế giới. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy trình thay nước cần phải làm từ từ, để các nhà khoa học có điều kiện theo dõi biến động của thủy sinh vật trong hồ. Nếu vội vàng sẽ làm mất hệ thủy sinh vật đặc trưng của hồ Tây. Bên cạnh đó, việc lấy nước sông Hồng để thau rửa sông Tô Lịch chỉ giải quyết được phần ngọn, vì nguồn gốc ô nhiễm là nước thải sinh hoạt đổ vào con sông này vẫn chưa có giải pháp kiểm soát triệt để. Bơm nước sạch vào chỉ làm loãng nước bẩn ra chứ không thể làm hết bẩn. Do đó, cần có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm bằng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ vào sông Tô Lịch. Việc này không đơn giản, cần có tầm nhìn, giải pháp công nghệ đi cùng việc nâng cao ý thức người dân, các cơ quan, công sở.

Ý tưởng lấy nước sông Hồng để bổ cập nước hồ Tây, thau rửa sông Tô Lịch không phải là không có cơ sở. Năm 2018, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm dẫn nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch, bước đầu cho thấy dòng nước đen của sông Tô Lịch không còn, mùi hôi thối cũng được hạn chế. Việc lắp đặt bơm chìm đưa nước từ sông Hồng vào hồ Tây cũng không quá tốn kém và có thể thi công ngay được. Tuy nhiên, những ý kiến góp ý của các chuyên gia cũng cần được UBND thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp xem xét một cách nghiêm túc. Năm 2016, thành phố Hà Nội đã khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, có công suất xử lý 270.000 m3 nước/ngày đêm, thu gom nước thải trên diện tích 4.874 ha, thuộc các quận Ba Ðình, Từ Liêm, Ðống Ða, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Ðông và huyện Thanh Trì. Nhưng cho đến nay, tiến độ xây dựng nhà máy chưa tiến triển là bao. Cùng với giải pháp bổ cập nước cho hồ Tây, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, bởi chỉ khi nước thải sinh hoạt của hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh đổ ra các con sông thoát nước được xử lý, làm sạch triệt để, thì các dòng sông ở Hà Nội được hồi sinh một cách bền vững.