Cần chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, gia tăng giá trị nông sản, trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản.

Nhờ đó đến nay, thành phố đã có gần 5.800 máy làm đất, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt hơn 96% diện tích gieo trồng; gần 900 máy gặt đập liên hợp, gần 1.000 máy phun thuốc tự động. Trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa có hơn 3.000 máy thái cỏ, gần 900 máy vắt sữa bò; hệ thống cho ăn, uống bán tự động, làm mát chuồng trại trong chăn nuôi gia cầm, lợn… được đầu tư, giúp nông dân đỡ vất vả hơn và nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó, trên địa bàn thành phố hình thành hơn 17 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có khoảng 1.000 cơ sở chế biến nông sản. Một số cơ sở chế biến nông sản lớn như Nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần sữa Ba Vì (huyện Ba Vì), Nhà máy chế biến sản phẩm thịt Hà Nội của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (huyện Chương Mỹ)…, từng bước gia tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Thủ đô nhìn chung vẫn rất lạc hậu, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp thấp hơn so với cả nước và nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn ít và quy mô nhỏ bé. Trình độ công nghiệp hóa nông nghiệp thấp, chưa đồng bộ, còn rời rạc. Điển hình như số lượng máy cấy chỉ có gần 290 chiếc và 10 dây chuyền gieo mạ khay tự động, tương đương tỷ lệ cơ giới hóa trong lĩnh vực gieo cấy chỉ đạt gần 3%. Hình ảnh người nông dân lội bùn, cấy thủ công bằng tay từ bao năm qua vẫn không có nhiều thay đổi. Trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản, phần lớn các doanh nghiệp quy mô nhỏ lẻ, công nghệ thủ công lạc hậu. Công suất chế biến nông sản chỉ đạt từ 5 đến 10% và khoảng 80% nông sản chế biến chỉ dừng lại ở mức độ chế biến thô. Điều này đã dẫn đến tình trạng nông sản rất khó tiêu thụ, bị hư hỏng, thất thoát lớn hoặc rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Nông dân thường xuyên bị thương lái ép giá. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ chế, chính sách, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp chưa thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư. Người dân khó tiếp cận đất đai, nguồn vốn để đổi mới công nghệ, đầu tư sau thu hoạch. Đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ.

Để thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các sở, ngành phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ nông sản; mở rộng các sản phẩm chế biến. Thành phố nghiên cứu, có thêm cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến nông sản. Đáng chú ý, thành phố cần sớm đầu tư phát triển một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định nông sản tập trung hiện đại để hỗ trợ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.