Biến niềm tự hào thành hành động thiết thực

Thủ đô Hà Nội cùng cả nước đang tiến đến sự kiện kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội. Ðây là dịp để giáo dục, tuyên truyền, quảng bá về nền văn hiến Thăng Long, để các thế hệ kế thừa, gìn giữ; tuyên truyền về lòng yêu nước, về Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo...; cũng như trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong kế thừa, phát huy truyền thống của thành phố.

Tuy nhiên, dịp kỷ niệm này diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đang cùng cả nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Mặc dù vừa đẩy lùi đợt dịch lần thứ hai, song dịch bệnh khiến nền kinh tế bị đình trệ. Kinh tế Thủ đô đến hết tháng 9 đạt mức tăng trưởng 3,27% là nỗ lực lớn của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, nhưng mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Ðể bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội ở mức cao nhất, Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô phải nỗ lực hơn rất nhiều trong ba tháng cuối năm 2020.

Chính vì lẽ đó, một số hoạt động kỷ niệm đã được thành phố hoãn lại. Thí dụ như: Hội sách Hà Nội lần thứ bảy, Chương trình lễ hội nghệ thuật đường phố "Dấu ấn Hà Nội", Liên hoan Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2020, Giải đua xe đạp Cúp VTV, Lễ hội Bơi chải thuyền rồng... và một số hoạt động văn hóa, văn nghệ khác. Ðây là điều cần thiết khi các cấp ủy, chính quyền và nhân dân phải dồn sức cho thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, thành phố cần dành nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội. Ðể có một lễ kỷ niệm trang trọng mà vẫn tiết kiệm, có sức lan tỏa, động viên nhân dân, thành phố sẽ tổ chức thật tốt các sự kiện còn lại như: Chương trình nghệ thuật "Hà Nội - khát vọng rồng bay", Liên hoan múa Rồng Hà Nội 2020, chuỗi hoạt động của Thành Ðoàn Hà Nội với chủ đề "Tôi yêu Hà Nội"... và nhất là Lễ kỷ niệm chính thức tổ chức vào tối 10-10-2020.

Dịp kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra đúng vào dịp Hà Nội tổ chức Ðại hội Thi đua yêu nước của thành phố, kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2020), Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 17. Bởi thế, cùng với việc rút bớt các hoạt động, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của việc vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long; về truyền thống lịch sử hào hùng của thành phố qua các thời kỳ, về sự kế thừa, phát huy các truyền thống tốt đẹp của kinh đô xưa, nhất là từ khi Ðảng ra đời và lãnh đạo nhân dân trải qua các cuộc kháng chiến, đưa đất nước, Thủ đô cất cánh trên con đường đổi mới. Qua đó, biến lòng tự hào về mảnh đất có bề dày văn hiến ngàn năm trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô thành nỗ lực phấn đấu, thi đua ở mức cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nghĩ tới kế thừa, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội bằng những việc làm thiết thực, để chung tay cùng thành phố khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, tạo đà phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Chỉ như thế, chúng ta mới có một dịp kỷ niệm thật sự ý nghĩa.

Giang Nam