Tiếp sức nơi tuyến đầu chống Covid-19

Những ngày này, hàng trăm cán bộ y tế từ các đơn vị tuyến trung ương (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bạch Mai, Chợ Rẫy) đến các địa phương (Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định…) đang có mặt ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam để chung sức với ngành y tế địa phương trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Nhờ sự tiếp sức đó mà “tâm dịch” Đà Nẵng và các tỉnh trong khu vực đang từng bước ổn định tình hình. 

Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng công bố và trao giấy chứng nhận khỏi bệnh cho người bệnh Covid-19. Ảnh: MINH THÙY
Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng công bố và trao giấy chứng nhận khỏi bệnh cho người bệnh Covid-19. Ảnh: MINH THÙY

Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, trong những ngày khó khăn này, sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các đoàn y sĩ, bác sĩ từ các bệnh viện tuyến trên đã giúp và tiếp sức cho Đà Nẵng rất nhiều. Vừa trực tiếp điều trị tại khu bệnh nhân nặng, lắp đặt hệ thống ECMO, vừa đào tạo, tư vấn trực tiếp cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ của ngành y tế Đà Nẵng. Đặc biệt phải kể đến sự hỗ trợ về chuyên môn trong điều trị các ca bệnh mắc Covid-19 có bệnh nền nặng. Với sự hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến đầu, hiện Đà Nẵng đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng Khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng với quy mô 20 giường và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang với quy mô 15 giường. Khoa ICU là đơn vị hồi sức cấp cứu, chăm sóc đặc biệt hoặc điều trị tích cực được thiết kế riêng biệt, vô trùng, an toàn, tiện nghi, sử dụng chăm sóc liên tục cho những người bệnh nặng. Bệnh viện Phổi và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đang là đơn vị trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang là đơn vị chịu nhiều áp lực vì ngoài bệnh nhân mắc Covid-19, thì còn nhiều người có bệnh nền cho nên đối diện với nhiều nguy cơ. Quy mô các phòng ICU tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang sẽ tiếp tục được đầu tư để đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.

Đến ngày 10-8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng công bố điều trị khỏi và cho ra viện bốn người bệnh Covid-19. Kết quả đó là niềm vui và động viên rất lớn của đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn trong cuộc chiến với Covid-19 còn rất nhiều cam go. Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, những người được điều trị khỏi Covid-19 là nhờ sự nỗ lực hết sức của các y sĩ, bác sĩ bệnh viện và sự hỗ trợ từ các bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện, Khoa ICU có năm bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, hai bác sĩ Bệnh viện Phổi, tám bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng và 40 điều dưỡng, hộ lý, giám sát nhiễm khuẩn, tập trung điều trị cho 14 ca bệnh mắc Covid-19 nặng, trong đó có bảy ca thở máy, ba ca lọc máu liên tục và hai ca ECMO. 
    
Ngay từ ngày đầu ghi nhận ca bệnh Covid-19, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại “điểm nóng” Đà Nẵng. Trong khu vực điều trị đặc biệt cho các bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã lắp đặt trang thiết bị, hệ thống ô-xy, khí nén theo tiêu chuẩn của Khoa hồi sức cấp cứu điều trị cho những bệnh nhân nặng. Hệ thống khí nén đạt tiêu chuẩn của ICU cho việc bệnh nhân sử dụng máy thở. Theo chia sẻ của bác sĩ CK II Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy đang có mặt tại Đà Nẵng: Rất nhiều người bệnh Covid-19 có bệnh nền. Bản thân những người bệnh này, nếu không nhiễm Covid-19 thì nguy cơ tử vong cũng đã rất cao, có trường hợp đang phải tích cực điều trị ECMO cho nên tình trạng bệnh đã ổn định hơn. Các bác sĩ đang nỗ lực từng ngày để giúp người bệnh từng bước điều chỉnh dần nhằm cải thiện các chỉ số về ô-xy máu và sau đó giảm đi các chỉ số của ECMO.

Tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (Trung tâm y tế huyện Hòa Vang), nơi đây hiện cũng đang là cơ sở điều trị cho nhiều người mắc Covid-19 và cả những bệnh nhân thường với bệnh tình rất nặng. Đội ngũ y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng tại đây đang chạy nước rút với thời gian để cứu chữa cho người bệnh. Từ một bệnh viện tuyến huyện, được xây dựng thành bệnh viện dã chiến dùng cho điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19, đây thật sự là một nỗ lực rất lớn của ngành y tế Đà Nẵng. Hiện tại, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đang trực tiếp điều trị cho 180 người bệnh, là những trường hợp từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển về và những ca mắc SARS-CoV-2 mới. Hiện đã có hơn 10 ca có kết quả xét nghiệm âm tính lần một, nhiều ca đã hết triệu chứng và chờ kết quả xét nghiệm.

Thạc sĩ, bác sĩ CK II Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, cho biết: Hiện, Bệnh viện dã chiến đã được trang bị nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như: Máy thở, hệ thống máy ECMO, siêu lọc, máy chụp XQuang, siêu âm tại giường bệnh... Ngoài trang thiết bị y tế bảo đảm, hiện có hơn 150 y sĩ, bác sĩ từ nhiều bệnh viện được tăng cường, tiếp sức để cứu chữa cho người bệnh. Công việc với cường độ áp lực khá cao, các kíp trực hội chẩn, theo dõi, thăm khám trực tiếp các bệnh nhân, theo dõi tình trạng bệnh nhân qua ca-mê-ra, nhưng tất cả đều một lòng, luôn giữ tinh thần lạc quan, động viên nhau trong công việc. Những người tuyến đầu đang nỗ lực hết sức mình từng giây từng phút với mục tiêu cao nhất là ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Hiện có hàng trăm y sĩ, bác sĩ của nhiều địa phương trên cả nước đã và đang chi viện cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19. Đà Nẵng đang có tờ trình xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập thêm một bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Khi bệnh viện dã chiến quy mô này đi vào hoạt động, sẽ giảm tải cho Bệnh viện Phổi và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.