ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa: "Chúng tôi không cho phép mình gục ngã"

NDO -

"Mình là lực lượng về hỗ trợ địa phương chống dịch, nếu bản thân nhiễm Covid-19, tình hình sẽ rất phức tạp. Không thể để ảnh hưởng tới tinh thần anh em trong cuộc chiến Covid-19 cam go này", ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa tự dặn mình trước khi chính thức nhận nhiệm vụ tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc. 

ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa: "Chúng tôi không cho phép mình gục ngã"
ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa: 

"Mình là lực lượng về hỗ trợ địa phương chống dịch, nếu bản thân nhiễm Covid-19, tình hình sẽ rất phức tạp. Không thể để ảnh hưởng tới tinh thần anh em trong cuộc chiến Covid-19 cam go này", ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa tự dặn mình trước khi chính thức nhận nhiệm vụ tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc.  

Gần một năm qua, ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã trực tiếp chỉ huy công tác điều trị tại các ổ dịch lớn ở Đà Nẵng, Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Ninh Thuận, Bình Thuận. 28 ngày ở Sơn Lôi và khoảng 30 ngày ở tâm dịch Đà Nẵng là khoảng thời gian không bao giờ quên với người từng chỉ huy ở nhiều chiến dịch điều trị các bệnh truyền nhiễm như ông. 

ĐÀ NẴNG - CUỘC CHIẾN KHỐC LIỆT

KHÔNG BAO GIỜ QUÊN

Ngày 22-7, ngay sau khi kết thúc chuyến công tác ở Cần Thơ, BS Nguyễn Trọng Khoa đến Đà Nẵng. Ngay tối đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng, ông với vai trò là Đội trưởng Đội điều trị, dưới sự chỉ huy của Tổng chỉ huy - PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế đã cho họp khẩn với Sở Y tế Đà Nẵng. “Chúng tôi lo ngại nhất là ổ dịch Covid-19 lần này xảy ra tại bệnh viện. Chúng tôi đã lường chắc chắn sẽ có rất nhiều bệnh nhân nặng vì ngoài nhân viên y tế, đa số người bị nhiễm đang nằm điều trị tại các khoa hồi sức cấp cứu, lọc máu, tim mạch, lão khoa, sức đề kháng rất kém. Đó là những ngọn nến mong manh, chỉ cần cơn gió nhẹ sẽ tắt”, BS Khoa nói. 

Hành trang kinh nghiệm ông có được sau cuộc phong tỏa lớn nhất cả nước đầu tiên tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc là chuẩn hóa được phân khu cách ly tại khu điều trị và mô hình hỗ trợ từ tuyến trên cho tuyến dưới, sự phối hợp, phân công nhiệm vụ, chia vùng cách ly từng loại bệnh nhân. Thế nhưng, đứng trước một cuộc chiến mới được cho là khốc liệt nhất từ đầu đợt dịch, ông không khỏi tâm tư: “Điều Đà Nẵng học được ở thời điểm ban đầu, chính là kinh nghiệm giải tỏa bệnh viện của BV Bạch Mai. Nhưng điều khốc liệt nhất ở đây là số lượng bệnh nhân nặng nhiều. Bộ Y tế đã tính toán số lượng ca mắc có thể lên tới hàng trăm người trong vài ngày, trong 10 ngày có thể sẽ là đỉnh dịch”, BS Khoa kể. 

abf6d0368bcc75922cdd-1608890150231.jpg
 ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa họp với đội bác sĩ điều trị.

Những ngày căng thẳng nhất, rơi vào hai tuần đầu tiên dịch được phát hiện tại Đà Nẵng. Không tìm được F0, không tìm được nguồn lây, tất cả đều ở diện nghi ngờ. Khó khăn chồng chất khó khăn khi 2/3 bệnh viện đóng cửa tại Đà Nẵng là bệnh viện lớn nhất, không có nơi để điều trị cho những bệnh nhân nặng. Bài toán “chia lửa điều trị” được đặt lên bàn nghị sự. 

“Chúng tôi có năm ngày để giải quyết khối công việc đồ sộ, giải tỏa được cơ bản bệnh nhân nặng sang các cơ sở y tế khác để điều trị, bảo đảm tối đa mật độ giãn cách tại BV Đa khoa Đà Nẵng và BV C Đà Nẵng”, BS Khoa tâm sự. 

Bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 liên tục được phát hiện. Bệnh viện lớn nhất Đà Nẵng đã phong tỏa, câu hỏi đặt ra: Cơ sở nào sẽ đủ trang thiết bị để điều trị bệnh nhân dương tính? Các bác sĩ ICU hàng đầu Đà Nẵng trong diện cách ly hết. 

a26cad511f1fef41b60e-1609117470754.jpg

Một cuộc huy động tổng lực cán bộ y tế từ khắp các nơi được đặt ra. Lực lượng tinh nhuệ nhất trong lĩnh vực hồi sức, thận nhân tạo, xét nghiệm, điều dưỡng chăm sóc, dinh dưỡng lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn từ các BV Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhiệt đới TƯ, Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Y Hà Nội, Y Dược TP Hồ Chí Minh, Trung ương Huế được tung vào Đà Nẵng. 

Giám đốc BV Bạch Mai – tổng chỉ huy đợt phong tỏa Bạch Mai đã đích thân vào Đà Nẵng để chia sẻ kinh nghiệm giải tỏa bệnh viện, gỡ khó cho Đà Nẵng. Hàng nghìn cán bộ y tế tình nguyện đến Đà Nẵng đều do Sở Y tế điều phối dựa trên Bộ Chỉ huy tiền phương, tham gia huấn luyện và chuẩn bị sẵn sàng cho bệnh viện dã chiến tại Cung Tiên Sơn và tham gia vào công tác điều trị tại hai trung tâm điều trị: BV Đà Nẵng và Trung tâm Y tế Hoà Vang. 

Ngay lập tức, Bộ Chỉ huy yêu cầu thành lập các bệnh viện dã chiến. “Số ca mắc mỗi ngày một tăng. Có ngày ghi nhận tới 45 ca mắc mới. Với môi trường, tâm lý như vậy, anh em không một ai yên tâm, không thể bảo đảm được vấn đề hồi sức tích cực (ICU) tại khoa truyền nhiễm. Phương án cho việc chuyển đổi từ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa sang bệnh viện điều trị Covid-19 không hề đơn giản. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo thiết lập ngay ba đơn vị ICU”, ông Khoa nói. 

Đơn vị ICU đầu tiên được triển khai ngay tại BV Phổi Đà Nẵng với hai đơn nguyên (khoảng 20 giường/đơn nguyên), phân công BV Chợ Rẫy trực tiếp chỉ đạo chuyên môn, hỗ trợ nhân lực. Tại Trung tâm Y tế Hoà Vang thiết lập hai khu ICU. ICU cho bệnh nhân không suy thận gần khu khám bệnh và khu cấp cứu của bệnh viện, thiết lập trong một tuần.

“Đây là kỷ lục thiết lập ICU vì một đơn vị ICU không đơn giản giống buồng bệnh thường mà phải có hệ thống ngăn cách bảo đảm chống lây nhiễm, quan sát bệnh nhân, thông khí, ngăn bảo đảm luồng thông khí tốt không bị lây nhiễm; Bảo đảm hệ thống ô-xy khí nén trung tâm khi thở máy ECMO đáp ứng được; bảo đảm hệ thống moniter theo dõi, camera giám sát bệnh nhân. Lúc đó bệnh nhân không chuyển ra Huế nữa”, BS Khoa nói.

ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa: 
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn và ThS Nguyễn Trọng Khoa kiểm tra phòng ICU mới thiết lập.

Một ICU dành cho bệnh nhân suy thận cũng được thiết lập trong thời gian ngắn kỷ lục tại Trung tâm Y tế Hoà Vang với sự hỗ trợ từ BV Bạch Mai, BV Đà Nẵng và các bác sĩ từ tỉnh khác.

Khốc liệt nhất là điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân nặng trong thời gian ngắn. Bệnh nhân đa phần mắc bệnh lý nền nặng, suy thận, lọc máu, có người suy thận 10-15 năm. Khi nằm viện, họ kèm thêm các nhiễm trùng bệnh viện với khoảng hai vi khuẩn đa kháng, nấm nên tình huống điều trị “ngàn cân treo sợi tóc”. Một số trường hợp đã tử vong vì không còn đủ sức chống chọi với sự tấn công của Covid-19. 

“Căng thẳng nhất là cuối tuần đầu tiên và trong tuần thứ 2. Bệnh nhân nặng xuất hiện liên tục, ICU chưa có. Mặc dù, lúc đó Đà Nẵng đã có hai bệnh viện dã chiến, nhưng nguy cơ thiếu cơ sở điều trị vẫn hiện hữu. Một tình thế mới ập đến, liên tiếp ghi nhận bệnh nhân Covid-19 tại các tỉnh, thành phố khác là những người trở về từ Đà Nẵng. Nếu không làm nhanh và quyết liệt, trong một tháng có thể có tới hàng triệu người trở về từ Đà Nẵng, nguy cơ bùng phát là chắc chắn”, BS Khoa tâm sự. 

Những cuộc họp xuyên đêm, những ngày di chuyển hàng trăm cây số để nắm tình hình giữa các địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Huế…, những cuộc hội chẩn liên tiếp đặt ra. Bộ Chỉ huy thay đổi chiến thuật xét nghiệm, truy vết. Tất cả đều dặn nhau, phải giữ sức khỏe trước cuộc chiến này, để làm chỗ dựa tinh thần cho ngành y tế tại đây. 

Một nhiệm vụ quan trọng trong đợt huy động lực lượng cả nước, làm sao để không một nhân viên y tế nào bị lây nhiễm. Vì thế, đội điều trị đã chuẩn hóa các quy trình phòng tránh lây nhiễm cho cán bộ y tế từ khâu mặc quần áo bảo hộ, phân vùng cách ly, xử lý các chất thải, theo dõi bệnh nhân từng bước. Mọi khâu đều được giám sát và rút kinh nghiệm hằng ngày. Thành công nhất, những nhân viên y tế tham gia huy động vào đợt dịch không ai bị nhiễm Covid-19. 

“Việc các địa phương cử người vào hỗ trợ Đà Nẵng mang giá trị tinh thần rất lớn. Đà Nẵng cảm thấy yên tâm hơn khi có thêm lực lượng hỗ trợ cho mình”, ông Khoa kể. 

 

ĐÃ CÓ LÚC, CHÚNG TÔI PHẢI BUÔNG TAY

Trong cuộc chiến với “giặc Covid-19”, các chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch đã làm việc vượt sức mình. Họ là những chiến sĩ dũng cảm, bỏ lại tất cả phía sau với mục tiêu duy nhất là kiểm soát và chiến thắng được dịch Covid-19, mang lại sự bình an cho người dân trước dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. 

Tại Đà Nẵng, tuần thứ 2 của cuộc chiến thật sự mang lại nhiều cảm xúc lẫn lộn cho đội ngũ điều trị. Số bệnh nhân nặng liên tục tăng nhanh, đặc biệt xuất hiện ca tử vong đầu tiên là BN428. Áp lực đè nặng tâm lý đội điều trị vì thành tích từ trước đến nay chúng ta đã giữ vững đã thất bại. Anh em đều căng thẳng vì không biết bao nhiêu bệnh nhân nặng nữa sẽ không chịu đựng nổi đợt tấn công mạnh này. Và liệu, các phòng ICU mới thiết lập cấp tốc, có đủ để đáp ứng điều trị.

IMG_3717-1608910350839.JPG
Bệnh viện Đà Nẵng những ngày nóng bỏng nhất khi các bác sĩ chạy đua với sự sống của bệnh nhân. 

Các bác sĩ hỗ trợ Đà Nẵng xả thân ở tuyến đầu để chăm sóc các ca bệnh nặng, nguy kịch. “Tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh của BS Nguyễn Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy trong năm đêm liên tiếp, cứ 1-2 giờ sáng đi hội chẩn, hỗ trợ ngay trong đêm cho những ca bệnh nặng. BS Linh cũng như toàn bộ nhân viên y tế, ai cũng cố gắng hết sức để giữ được từng ngọn nến đang heo hắt trước gió”, BS Khoa tâm sự. 

Những ngày u ám liên tiếp nối nhau, các chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực hồi sức, chạy thận, cấp cứu làm việc xuyên đêm bên bệnh nhân để tính toán phương án điều trị tối ưu. Hai tuần dài căng thẳng, từng ca bệnh tuột khỏi tay những chuyên gia tinh nhuệ nhất. Có ca bệnh, ngày hôm trước vừa huy động được máy móc từ Hà Nội vào hỗ trợ phẫu thuật rất thành công, thì ngày hôm sau, bệnh nhân không qua khỏi. Đã không còn kỳ tích mang tên “giải cứu bệnh nhân người Anh”. 

Thời điểm đó, tại bệnh viện ở Đà Nẵng, trung bình một ngày có 1-2 ca tử vong. Có những ngày, thông tin báo về có tới bốn ca tử vong. Thứ trưởng Sơn có nói trong group hội chẩn Covid-19: “Mỗi ca tử vong như sát muối vào lòng. Chúng ta không muốn điều đó nhưng y học cũng có mức độ giới hạn, không thể làm hơn được. Mọi lực lượng giỏi nhất, phương tiện tốt nhất đã sử dụng hết rồi. Nhưng đối với những người có bệnh nền nặng kèm Covid-19 thì đây là thời điểm khó khăn nhất”. Anh em chua xót nhìn nhau bất lực. Họ nhìn nhau mà chung quyết tâm: "Hãy cố gắng từng ca bệnh một". 

Thu_truong-1609120417542.jpg

Trong cuộc chiến ấy, có tới hàng nghìn cán bộ y tế xả thân, hy sinh sức khỏe và tính mạng mình ở tuyến đầu. Trong tiết trời nắng như đổ lửa tháng 7-8 tại Đà Nẵng, các chiến sĩ tuyến đầu đã có người kiệt sức, sốc nhiệt vì cơ thể đã nhiều ngày liên tiếp dầm mình trong bộ quần áo bảo hộ kín mít. Có những người cả tháng trời bám trụ ở chiến tuyến nóng bỏng nhất, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh, quên cả sức khỏe bản thân. Hầu hết, những bữa cơm đều ăn vội, những đêm ngủ không ngon giấc. Chung quanh là không gian vắng lặng, chỉ nghe tiếng máy chạy và tiếng bước chân hối hả.

Tín hiệu vui nhất đến với đội ngũ điều trị, chính là khi ca bệnh nặng đầu tiên tại Đà Nẵng - BN 582 được cứu từ cửa tử, trong tình trạng đứng mấp mé ở ranh giới giữa sống và chết. Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy đã nhiều lần tưởng chừng bất lực trước ca bệnh tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cục bộ như BN 582. Ngoài chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, các bác sĩ phải kết hợp vật lý trị liệu, hút đàm nhớt... trong khi thiếu thốn về cơ sở vật chất, bệnh viện phong tỏa, thiếu bác sĩ điều trị. Tất cả những gì có trong tay, các bác sĩ tung hết vào trận chiến giành giật sự sống này. 

ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa: 
Những bệnh nhân nặng đầu tiên được các bác sĩ nỗ lực ngày đêm giành giật cuộc sống từ tay tử thần. 

Cuộc chiến thắng đầu tiên này vô cùng ngoạn mục, là nguồn động viên lớn cho các bác sĩ điều trị. Dòng chữ cảm ơn của bệnh nhân được viết lên tờ giấy A4 áp trên thành kính trong phòng điều trị áp lực âm đã giải tỏa được những căng thẳng chồng chất nhiều ngày qua.

Những hạnh phúc tiếp tục được nối dài sau đó khi các bệnh viện được gỡ bỏ phong tỏa, khi người bệnh được người thân đón trở về gia đình sau gần tháng trời xa cách vì bị cách ly. Đặc biệt, có không ít ca bệnh Covid-19 có bệnh lý nền nặng đã được hồi sinh một cách kỳ diệu. Số ca mắt ít dần, những nhân viên y tế đã trút được gánh nặng tâm lý. Họ hân hoan và tự tin hơn trước một cuộc chiến tưởng chừng không thể khống chế nổi, thì nay, họ đã thành công. 

KHÔNG ĐƯỢC PHÉP GỤC NGà

Trận chiến đầu tiên, BS Nguyễn Trọng Khoa tham gia với tư cách là Tổ phó Tổ công tác của Bộ Y tế tại Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, thực hiện chỉ huy công tác khám chữa bệnh trong 28 ngày cách ly của xã này. Đây là sự kiện đầu tiên trong lịch sử Việt Nam phải cách ly cả một xã nên không tránh khỏi những lo lắng và bỡ ngỡ ban đầu.

Bấy giờ, trong xã có rất nhiều người đang phải chữa bệnh định kỳ tại các bệnh viện tuyến Trung ương như ung thư, chạy thận, nhiều ca sắp sinh nở. BS Khoa yêu cầu trạm y tế thành lập phòng khám đa khoa tại trạm, phục vụ người dân như bình thường. Trạm Y tế xã Sơn Lôi đã được nâng cấp hoạt động khám, chữa bệnh tương đương với phòng khám đa khoa gồm các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi. Cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện xã tăng cường đến trạm y tế để chỉ đạo công tác chuyên môn phòng, chống dịch sát sao hằng ngày. BV Đa khoa khu vực Phúc Yên thiết lập khu cách ly để dành riêng điều trị cho những ca bệnh chuyển từ Sơn Lôi.

Trong 28 ngày Sơn Lôi phong tỏa, Tổ công tác y tế của Bộ Y tế đã khám, chữa bệnh cho gần 500 trường hợp. Có 100 lượt bệnh nhân cấp cứu, sinh nở được vận chuyển lên tuyến trên an toàn. Các bác sĩ, tình nguyện viên y tế không ai bị lây virus corona chủng mới. 

BS Khoa tâm sự, hôm căng thẳng nhất ở Vĩnh Phúc là ông bị ngộ độc thực phẩm, người rơi vào trạng thái mệt mỏi. “Tôi lo mình bị nhiễm Covid-19 nên chủ động cách ly anh em. Rất may hôm sau sức khỏe ổn hơn. “Nếu mình nhiễm Covid-19, tình hình sẽ rất phức tạp vì mình là lực lượng về hỗ trợ địa phương chống dịch mà mắc bệnh sẽ ảnh hưởng tinh thần anh em trong cuộc chiến căng thẳng này”, BS Khoa tâm sự.

ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa: 
Các chiến sĩ áo trắng ở tuyến đầu đã ngày đêm hết mình phục vụ người bệnh.

Lần hoảng hốt thứ hai đến với ông là sau khi rời Đà Nẵng, một nhân viên y tế có nhiệm vụ thực hiện chụp phim X-quang di động đi cùng chuyến xe trở về có biểu hiện ho, mệt. Đồng nghiệp này đã được chụp X-quang và phát hiện có đám mờ ở phổi. Tất cả anh em cùng chuyến đi đều ở nhà tự cách ly để chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng của đồng nghiệp. Và rất may mắn, một lần nữa, đồng nghiệp của ông an toàn. Toàn bộ các chiến sĩ áo trắng ở tuyến đầu đều miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2.

Với BS Nguyễn Trọng Khoa, cuộc chiến điều trị bệnh nhân tại Sơn Lôi, Đà Nẵng hay Ninh Thuận, Bình Thuận đều mang dấu ấn riêng biệt. Nhưng trên tất cả, hình ảnh nhân viên y tế ở tất cả các tuyến dự phòng, điều trị, xét nghiệm, các nhân viên hỗ trợ vòng ngoài đều mang một tinh thần lăn xả, hy sinh và mang tinh thần đoàn kết rất lớn. Tất cả đều chung một tâm trí: quyết tâm chiến thắng trận này, phải trở về nhà bình an và người bệnh được bình phục. 

Tôi hỏi ông: Bài học từ Đà Nẵng quý giá như thế nào với các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân?, BS Khoa tâm sự: Nếu chúng ta không kiểm soát tốt dịch tại bệnh viện thì dịch có thể bùng ra bất kỳ bệnh viện nào. Từ ổ bệnh viện, dịch có thể nhanh chóng bùng phát, khi đó mình tốn nhiều nguồn lực điều trị bệnh nhân nặng mà hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, phải tăng cường năng lực xét nghiệm vì một số nơi đang chưa sát sao công tác này. 

ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa: 

“Đà Nẵng ban đầu công suất chưa tới một nghìn mẫu/ngày thì sau vụ dịch, công suất của thành phố đã lên tới 10 nghìn mẫu/ngày, gấp 10 lần. Với năng lực như vậy, chúng ta hoàn toàn yên tâm đối mặt với một vụ dịch xảy ra có thể xét nghiệm, lấy mẫu ngay lập tức, phát hiện ca mắc Covid-19. Đây là quyết định cho thành công”, BS Khoa chia sẻ.

Một trong những yếu tố để kiểm soát được tốt dịch bệnh giai đoạn này tại bệnh viện, theo BS Khoa, các cơ sở y tế tuyến tỉnh đang điều trị cho bệnh nhân nặng như hồi sức cấp cứu, lọc máu, lão khoa, điều trị tích cực, tim mạch phải định kỳ làm xét nghiệm sàng lọc cho những trường hợp bệnh nhân nặng, người nhà và nhân viên y tế để sớm phát hiện ca Covid-19. Chỉ cần chậm 1-2 tuần, ổ dịch sẽ lớn và có khả năng bùng ra cộng đồng lớn.

Hiện nay, ông đang cùng các đồng nghiệp xây dựng Sổ tay hướng dẫn chuyển đổi bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành bệnh viện Covid-19, để sẵn sàng cho mọi tình huống diễn biến của dịch Covid-19. "Tôi tin với kinh nghiệm chúng ta đã trải qua những cuộc chiến cam go nhất và với năng lực điều trị đang được nâng lên ở các cơ sở y tế tuyến dưới, chúng ta đủ tự tin để đối phó với dịch Covid-19", BS Khoa bày tỏ. 

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH

Nội dung: THIÊN LAM

Đồ họa: HÀ MY

Ngày xuất bản: 29-12-2020